Sáng 11-2, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức tọa đàm gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu đầu xuân Nhâm Dần 2022, với chủ đề “TPHCM – sức sống mới sau dịch Covid-19: Định hướng và phát triển dưới góc nhìn kinh tế”.
Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cùng các kiều bào tiêu biểu.
Giai đoạn trọng yếu để hồi phục và phát triển
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, kết quả trong phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM hiện nay có sự đóng góp rất lớn của kiều bào ta ở nước ngoài. Bà con đã gửi thuốc men, nhu yếu phẩm, mạnh dạn hiến kế, nhiều cách làm cho TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: MAI HOA Năm 2022, TPHCM nhận thức khó khăn vẫn còn, dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào nếu mất cảnh giác. Nên năm 2022 phải làm việc nhiều hơn, gấp đôi, gấp ba, để thực hiện những nhiệm vụ 2021 chưa thành công, để bù dắp lại thời gian căng mình chống dịch.
Do vậy, TPHCM nhận thức ngoài sự nỗ lực của bản thân mình, sự hỗ trợ từ trung ương thì sự ủng hộ, đóng góp của kiều bào là một trong những nhân tố quan trọng, cần tiếp tục huy động nhiều hơn nữa. Phó Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ mong muốn kiều bào tiếp tục quan tâm, góp ý, hiến kế cho TPHCM trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác phục hồi, chống dịch, xây dựng chính quyền đô thị, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.
Phát biểu đề dẫn, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Phùng Công Dũng cho rằng, tọa đàm diễn ra có ý nghĩa quan trọng, để cùng trao đổi các vấn đề liên quan đến khôi phục kinh tế sau dịch. Bởi sau hơn hai năm gánh chịu những thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, đây là giai đoạn trọng yếu cần tập trung nguồn lực để hồi phục và tiến tới phát triển bền vững nền kinh tế của TPHCM và cả nước.
Lập đơn vị tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu
Tại buổi tọa đàm, các kiều bào đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho TPHCM trên nhiều lĩnh vực. Ông Lê Bá Linh, Phó Ban liên lạc kiều bào Lào - Thái Lan, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods với kinh nghiệm hơn 10 năm đưa sản phẩm truyền thống của Việt Nam ra thị trường thế giới cho biết sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp khác về thủ tục hành chính, hỗ trợ đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Ông Steve Bùi – kiều bào Nhật, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn và Đầu tư tài chính Delta E&C chia sẻ, việc xuất khẩu hàng Việt Nam ra thế giới, hiện các doanh nghiệp làm theo phong trào là nhiều, trong khi còn phải tìm hiểu luật pháp quốc tế, quy định của nước sở tại. Ông đề xuất Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM nên thành lập một phòng/tổ tư vấn cho các doanh nghiệp muốn xuất khẩu đi nước ngoài. “Việc này rất hữu ích cho doanh nghiệp và chúng tôi sẵn sàng tham gia”, ông Steve Bùi nói.
Ý kiến này của kiều bào được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan ghi nhận, đánh giá là rất cần thiết. Ông đề nghị Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM nghiên cứu đề xuất UBND TPHCM.
Kiều bào Peter Hồng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: MAI HOA Trong khi đó, ông Peter Hồng, kiều bào Australia, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cho rằng, con số kiều hối gửi về trong nước chỉ là một phần, còn đóng góp lớn hơn của kiều bào chính là tri thức. Thời gian qua kiều bào đã nhiệt tình đóng góp nhiều ý kiến. “Mong rằng TPHCM ghi nhận các ý kiến của kiều bào, và nếu thấy phù hợp thì triển khai và thông tin lại cho kiều bào được biết các việc đó đã được triển khai như thế nào, để tiếp tục đóng góp”, kiều bào Peter Hồng nêu ý kiến.
Trước ý kiến góp ý này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM sau mỗi kỳ gặp gỡ cần tổng hợp, báo cáo lại kết quả cho kiều bào, để cho thấy thiện chí của TPHCM là luôn lắng nghe và hành động.
Giáo sư Đặng Lương Mô, kiều bào Nhật đưa ra số liệu về sự sút giảm của kinh tế Nhật Bản sau dịch, như ngành ẩm thực, khách sạn sút giảm 98%, bán lẻ giảm hơn 60%, chế tạo sản xuất giảm hơn 50%... và đánh giá Việt Nam cũng không nằm ngoài sự sút giảm đó. Theo giáo sư, dịch Covid-19 sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng giống khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, nghĩa là sẽ tạo ra “bình thường mới” chứ không trở lại như cũ được nữa. Trong đó các xu hướng "bình thường mới" là hạn chế tiếp xúc, làm việc qua mạng. Do vậy, không nơi nào có thể đứng ngoài chuyển đổi số.
Buổi tọa đàm diễn ra sáng 11-2 với sự tham gia của nhiều kiều bào tiêu biểu. Ảnh: MAI HOA Từ phân tích này, Giáo sư Đặng Lương Mô đề xuất tập trung mọi nỗ lực chuyển đổi số bằng việc tập hợp mọi thành phần có liên quan vào một tổ chức thống nhất, chuyên trách chuyển đổi số, xây dựng xã hội số. Đặc biệt, càng không thể tránh né việc xây dựng nên một nền công nghiệp vi mạch nội địa để đáp ứng mọi nhu cầu chuyển đổi số.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, kiều bào Canada cũng nhận định, dịch Covid-19 đã làm lộ ra những hạn chế về tư duy quản lý đô thị, như tư duy quản lý theo địa giới hành chính. Đó là khi một vài gia đình có người mắc Covid-19 liền phong tỏa cả phường, dù gia đình đó ở gần một phường khác. Hoặc các xe đi từ tỉnh này sang tỉnh khác phải dán giấy. Hạ tầng y tế lập tức bị quá tải, tình trạng loạn thông tin… KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc hợp tác, liên kết vùng rất quan trọng.
Ghi nhận các ý kiến của kiều bào, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cần phát huy vai trò của mình. Ủy ban không chỉ đóng vai trò kết nối mà còn phải quan tâm đến việc tìm cơ hội để bà con kiều bào được tham gia hiến kế, góp ý, đầu tư vào trong nước, làm sao để sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước có thể thông qua kiều bào để đi ra thị trường nước ngoài. Dự buổi tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhìn nhận, sức sống sôi động đã quay trở lại với TPHCM. Phục hồi kinh tế TPHCM cũng là phục hồi cả nước. Thứ trưởng đề nghị UBND TPHCM quan tâm chỉ đạo và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phát huy hơn nữa vai trò của mình. Thứ trưởng tin tưởng sự quyết tâm, đồng hành của kiều bào sẽ góp phần tích cực cho sự phục hồi và phát triển của TPHCM sau dịch. |
MAI HOA