Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam…”.
Dân tộc Việt Nam và kiều bào ta khắp nơi trên thế giới không chỉ tự hào về Đảng quang vinh, Hồ Chủ tịch vĩ đại, mà chính Đảng và Hồ Chí Minh đã tiếp thêm sức mạnh, nguồn sống, niềm tin để cả dân tộc Việt Nam, trong đó có kiều bào ta ở nước ngoài, đoàn kết, đấu tranh giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Đảng ta mong muốn khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc, mở rộng và trong đó có sự quan tâm đặc biệt đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên tinh thần đó, nhiều chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào ta ở nước ngoài đã trở về, có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng thành phố, xây dựng Tổ quốc.
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với chủ đề của năm 2020: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, tích cực vận động, thu hút kiều bào hướng về Tổ quốc, góp sức xây dựng quê hương, đất nước; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của kiều bào, đồng thời, khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân có thành tích tiêu biểu được Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM quán triệt thực hiện.
Tăng cường đại đoàn kết thông qua các hoạt động kiều bào đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố
Trong chương trình họp mặt kiều bào mừng Xuân Canh Tý 2020 có sự tham dự của 900 kiều bào đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ hồi tháng 1-2020, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ tình cảm trân trọng tấm lòng kiều bào luôn luôn nhớ về quê hương Việt Nam. Nhiều kiều bào lớn tuổi, đáng lẽ về quê nghỉ ngơi song vẫn cống hiến cho xã hội, cho TPHCM.
Tại buổi họp mặt này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cũng đánh giá việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề để TPHCM bứt phát, phát triển nhanh và bền vững hơn. TPHCM rất mong muốn sự tham gia chung tay góp sức của kiều bào, cùng hiện thực hóa các mục tiêu lớn trong tiến trình xây dựng thành phố văn minh hiện đại, nghĩa tình.
Thời gian qua, nhiều ý kiến, góp ý, hiến kế về những giải pháp cụ thể xây dựng thành phố của các chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố luôn được Lãnh đạo Thành phố trân trọng tiếp thu và đánh giá cao. Các buổi gặp gỡ, lắng nghe và đón nhận góp ý, hiến kế trí tuệ, tình cảm, tâm huyết của các kiều bào do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tham mưu hoặc tổ chức đều nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và sự phối hợp chặt chẽ các sở ban ngành Thành phố.
Có thể nói, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó có TPHCM. Bên cạnh các mục tiêu chống dịch, Lãnh đạo Thành phố cũng chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, giữ tốc độ tăng trưởng của Thành phố. Việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế của Thành phố sau đại dịch là cần thiết.
Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã làm cầu nối để đại diện các Hội đoàn, chuyên gia trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài tham gia góp ý, hiến kế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của đời sống xã hội. Có thể kể đến như GS-TS Vương Thanh Sơn (kiều bào Canada) đề nghị hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng máy phát tia plastma lạnh MIRARI. Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Y tế chủ trì cùng đại diện Lãnh đạo Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp GS-TS Vương Thanh Sơn để trao đổi về phòng, chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ thiết bị điều trị và vận hành máy điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 để tăng hiệu quả điều trị.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái (kiều bào Mỹ) chuyên gia về tế bào gốc, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Đại học Y dược TPHCM hiến kế việc nghiên cứu vaccine ngừa dịch Covid-19 sử dụng công nghệ tạo vaccine VLP (virus like particle); Giáo sư Lê Văn Cường (kiều bào Pháp) Giáo sư danh dự - Trường Kinh tế Paris (PSE) góp ý về các giải pháp “vực dậy” và “phát triển” cho thành phố do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; ông Eddie Thái (quốc tịch Mỹ) Giám đốc Quỹ 500 Startups Việt Nam hiến kế tận dụng thành công phòng chống dịch Covid-19 nổi bật của Việt Nam trước cộng đồng thế giới để chỉ ra các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ điển hình và thành lập mới các doanh khởi nghiệp trong đổi mới sáng tạo mới…
Bên cạnh những đóng góp về trí lực, kiều bào còn đóng góp bằng vật lực, tài chính, chung sức cùng Thành phố phòng chống dịch Covid-19. Đó là những đóng góp thiết thực, điển hình của các cá nhân, tập thể như ông Johnathan Hạnh Nguyễn (kiều bào Mỹ) - Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương; ông Nguyễn Ngọc Mỹ (kiều bào Úc), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vabis tại Việt Nam; cộng đồng người Việt Nam ở vùng Kansai - Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc, Đức; cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc; Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA); Hiệp hội Phát triển Kinh tế Văn hóa Đài Việt; Hội Chuyên gia Trí thức Việt Nam - Hàn Quốc (VKEIA)…
Tấm lòng kiều bào luôn hướng về biển đảo quê hương
Chúng tôi nhận thức rằng, mỗi người dân Việt Nam đều có ý thức về bổn phận của mình đối với Tổ quốc đã và đang có những hành động thiết thực nhất để góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Sự tham gia đóng góp những ý tưởng, chính kiến tại buổi tọa đàm là nguồn thông tin sâu sắc, tâm huyết gửi đến cộng đồng kiều bào xa Tổ quốc, xa quê hương và thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương của mỗi người con Việt Nam.
Năm 2019, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã tổ chức Hội nghị tọa đàm “Vai trò của kiều bào với biển đảo quê hương” nhằm khẳng định về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tình hình kinh tế - xã hội, cách ứng phó về tình hình biển Đông. Thông tin các vấn đề biển Đông đến kiều bào nhằm định hướng và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng được tiếp cận thông tin của bà con kiều bào.
Vào dịp tháng 4 hàng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức đưa kiều bào ra thăm, động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn, thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và chính sách nhất quán đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta, chuyển tải tình cảm của đồng bào cả nước, trong đó có kiều bào tới nhân dân và chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Từ nhiều năm qua, rất nhiều Hội đoàn, cá nhân chuyên gia trí thức, doanh nhân và bà con kiều bào đã có nhiều đề xuất, đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả vận động đoàn kết, phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về biển đảo của Tổ quốc. Biết bao thế hệ kiều bào hướng về Trường Sa, hướng về Tổ quốc qua những chuyến đi nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, có những việc làm thiết thực cùng quân và dân trong nước chung tay góp sức giữ gìn biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Khó có thể kể hết những đóng góp của kiều bào dành cho thành phố, dành cho quê hương đất nước. Trong niềm cảm xúc của những ngày tháng Tư lịch sử hào hung, tôi càng thấm thía hơn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Biển, đảo Việt Nam luôn là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Lòng yêu nước, tình yêu biển đảo từ lâu đã trở thành nguồn động lực thôi thúc, quy tụ sức mạnh tinh thần và tình cảm của mọi người con đất Việt dù trong hay ngoài nước…”.