
1. Chuyện Hồ Quý Ly
Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế
Quảng Hàn cung lý nhất chi mai

Hồ Quý Ly (1336-1407), quê ở Đại Lai, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, là rể nhà Trần, đời vua Trần Nghệ Tông. Một hôm, Quý Ly phò giá vua Trần ngoạn cảnh. Trời nắng như thiêu, vua tôi ghé điện Thanh Thử tránh nắng. Ngắm vườn quế trước điện, vua ra câu đối: “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế” (Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế).
Các quan đang loay hoay tìm chữ, chọn vần thì Quý Ly lên tiếng: “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” (Quảng Hàn cung nọ một cành mai). Hai vế đối thật chỉnh! Các quan tấm tắc gật gù, riêng vua Trần thất sắc, kéo Quý Ly ra gốc quế già, nghiêm giọng: “Em gái yêu của ta là công chúa Nhất Chi Mai (tên thật Huy Ninh) trước đây lỡ duyên với Trần Nhân Vinh, đang cấm cung trong tòa lầu riêng gọi là cung Quảng Hàn, đúng như câu thơ mà ngươi vừa đối. Làm sao ngươi lại biết được chuyện thâm cung bí sử, hãy khá tâu bày?”.
Quý Ly rập đầu, thực thà thưa: “Muôn tâu quan gia, hồi còn trai trẻ thần thường vượt bể ra Bắc vào Nam buôn bán. Một lần ghé vào bến nọ, nhìn thấy ai đó đã vạch sẵn câu thơ tao nhã trên bãi cát, thần nhẩm nhớ và nhập tâm. Khi bệ hạ ra vế đối, thần thấy nó như mảnh này tách ra từ mảnh kia, nên đem ráp lại đấy thôi, dám mong quan gia tha tội”.
Vua tôi hết ngạc nhiên đến vui mừng. Có lẽ cảm được duyên trời cá nước gặp nhau, vua liền truyền lệnh gả công chúa Nhất Chi Mai cho quan Trung tuyên hầu Hồ Quý Ly. Đám cưới được lập tức cử hành trọng thể. (Kể chuyện Câu đối Việt Nam - NXB Thanh Hóa)
2. Chuyện nàng Bình Khương
Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ
Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây
Hồ Hán đây chỉ Hồ Hán Thương, con của Hồ Quý Ly; còn Hồ Tây đây chỉ Hồ Hoàn Kiếm trong thành Đại La, tức hoàng thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay, cố đô của nhà Trần.
Chuyện kể rằng, Hồ Quý Ly mưu tính xây dựng Tây Đô tại Thanh Hóa, lập nghiệp đế riêng, ý định soán ngôi vua Trần (năm 1400, Thái sư Quý Ly chính thức phế truất vua Trần, tự mình lên ngôi lập nên triều Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, không bao lâu sau nhà Hồ mất vào tay nhà Minh năm 1407 - NV).
Lúc bấy giờ có viên Cống sinh quản lãnh công việc xây cất kinh thành. Vợ của viên Cống sinh là nàng Bình Khương biết chuyện có ý can ngăn chồng rằng: “Bậc sĩ quân tử lập thân trên đời, đạo không gì trọng hơn cương thường, nghĩa phải rõ ràng ở việc đến hay đi, có một chức trách quốc dân thì phải làm tròn phần quốc dân nghĩa vụ ấy. Huống chàng là Cống sinh của triều nhà Trần chứ đâu phải Cống sinh của ngụy Hồ mà đem ủy thác thân phận cho ngụy Hồ, khư khư quản lãnh việc xây cất kinh thành cho kẻ âm mưu tạo phản. Sao bằng thề lòng với nước cũ mà được vinh dự toàn danh với ngàn xưa?”.
Cống sinh nghe thế tỉnh ra, có ý xao lãng việc xây thành. Hồ Quý Ly biết chuyện tức giận, ra lệnh bắt Cống sinh xử tội bằng cách mang lên vách thành cho đá xây đè lên mà giết. Người vợ hay tin chạy đến khóc lóc thảm thiết, dùng tay cào vào đá, lấy đầu đập vào thành mà chết. Đá ấy lõm sâu vào, in dấu cái đầu và dấu hai tay nàng, đá ấy đến nay vẫn còn. Người dân bèn lập đền thờ nàng (nay vẫn còn tại phế tích thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), tiếng vinh thiên cổ.
(Cổ Thư tác dịch - Việt Nam Phong Sử quyển I của Phó bảng Khoa Kỷ Sửu Bố chánh sứ Thanh Hóa Lô Giang Nguyễn Văn Mại, tự Tiểu Cao biên soạn - NXB Lao Động)
3. Chuyện Hà Ô Lôi
Ai mua con quạ bán cho:
Đen lông đen lá, bộ giò cũng đen!
Đời vua Trần Thuận Tông (Truyện hay nước Việt - NXB Văn hóa Dân tộc - chép là “năm Thiệu phong, đời vua Trần Dụ Tông”) có viên Tham tri Nguyễn Công Sung (Lĩnh nam chích quái chép là “Quan an phủ sứ Đặng Sĩ Dinh”, hoặc Đặng Sĩ Doanh) được vua tin dụng sứ bộ sang Tàu. Phu nhân của Tham tri (tên là Vũ Thị - Truyện hay nước Việt) ban đêm chiêm bao thấy vị thần làng thường gọi là Ca La (Chuyện xưa tích cũ của Sơn Nam - Tô Nguyệt Đình - NXB Trẻ chép là Ma La) giả làm chồng nàng đến chòng ghẹo, đùa giỡn. Ít lâu sau nàng thụ thai, làng xóm hay được tố cáo lên quan, phu nhân khai thật chẳng giấu giếm.
Quan huyện nghe ra bèn phán: “Nếu quả thị đã mang thai với thần Ca La thì vợ trả cho quan Tham tri đi sứ, còn con thì trả cho thần Ca La”. Về sau quan Tham tri chết ở Tàu, còn phu nhân ấy thì sinh ra một đứa con trai đặt tên là Hà Ô Lôi. Ô Lôi mặt mày mũi đen đủi, xấu xí, hình dong cổ quái nhưng thông minh tài trí và đặc biệt có giọng hát làm mê đắm lòng người, “tiếng ca thanh tao như vàng như ngọc, lúc lên giọng thương, lúc xuống giọng chủy, người nghe đều mê cảm se lòng” (Việt Nam phong sử).
Vua hay được bèn cho đòi Hà Ô Lôi vào cung, Ô Lôi được vua thương mến nhờ tiếng hát, nói gì vua cũng nghe, bày gì vua cũng theo… Vua còn ra lệnh: “Ô Lôi có điều gì gian ngoa nếu người nào đi báo cáo sẽ được thưởng, còn kẻ nào giết hắn sẽ bị tuyệt diệt cả ba họ”. Được vua yêu, Ô Lôi mặc ý vào ra phủ đệ của các vương công, mọi người đều có ý giận nhưng không ai dám làm gì.
Một đêm, Ô Lôi đến dinh Quốc cửu Nguyễn Uy đùa cợt với bọn hầu thiếp. Quốc cửu cho trói Ô Lôi lại, vào tâu vua: “Ô Lôi dâm loạn, trong đêm tối hạ thần không biết nên đã lỡ tay giết chết hắn rồi…”. Vua nghe tâu lặng thinh hồi lâu rồi phán: “Nếu đã lỡ tay giết rồi thì ta cũng miễn luận tội”. Quốc cửu được lời mừng rỡ trở về mang Ô Lôi ra giết. Nhưng giết mãi mà Ô Lôi không chết, phải cho người bỏ vào cối đá quết giã một hồi hắn mới chết.
Tục xưa của người miền Bắc vì thế mà có lệ khi cô dâu mới về nhà chồng, người ta cho đặt cối đá ở chỗ cửa để cô dâu bước ngang, nói là để trừ cái hại của Hà Ô Lôi là vậy.
(Theo Việt Nam Phong Sử của Nguyễn Văn Mại - NXB Lao Động; Truyện hay nước Việt của Đinh Gia Khánh - NXB VHDT, trang 123, Truyện Hà Ô Lôi - Lĩnh Nam chích quái; Chuyện xưa tích cũ của Sơn Nam - Tô Nguyệt Đình, NXB Trẻ, trang 320, Tiếng hát của Hà Ô Lôi)
4. Và chuyện... kiến văn của người cầm bút phê bình
“...Trong cuốn Câu đối nên duyên, thân thế sự nghiệp của Hồ Quý Ly được phóng tác rất hoành tráng bằng nhiều chi tiết thiếu chính xác so với chính sử (...). Tuy nhiên, theo gia phả họ Hồ, Quý Ly có hai người cô đều được vua Trần Minh Tông lấy làm cung phi và đều trở thành mẹ hai vua nhà Trần. Do đó, Quý Ly sớm được đưa vào làm quan trong triều đình nhà Trần mà không phải thi thố gì (...). Đọc đến đoạn này, TS Nguyễn Thị Phương Chi - Viện Sử học (?) đã lắc đầu ngao ngán. Những người làm sách đã rất khôn ngoan cho rằng những câu chuyện này là những “giai thoại” kỳ lạ về những vị vua hay danh tướng quen thuộc, nhưng cho dù như thế thì cũng chẳng có ai ghi lại được giai thoại này. Và không nên tô vẽ những chi tiết theo cách bịa ra những câu chuyện hoang đường để làm xấu đi các nhân vật lịch sử như vậy.
...Có rất nhiều chi tiết hoang đường được đưa vào serie truyện tranh này (Truyện hay Sử Việt - NXB Kim Đồng & Cty Phan Thị ấn hành). Ví dụ như cảnh nàng Bình Khương chết theo chồng là Cống sinh (cuốn Ngôi thành vĩnh cửu). Hoặc như trong cuốn Giọng hát ma lực, các nhà “viết truyện” đã sáng tác ra chuyện Ô Lôi - một cận thần được sủng ái của vua Trần Thuận Tông - ra đời sau hai đêm người mẹ mơ thấy thần Mala “quấy rối” mình. Hình dạng của Ô Lôi sau khi được sinh ra trông cũng chẳng khác gì thần Mala - pho tượng đồng đen...”
(Trích bài “phê bình” của tác giả Tú Anh - Mỹ Hà, báo Gia đình & Xã hội ngày 8-10-2007)
PHẠM THANH THẢO
Lời của những người làm sách Viết phê bình mà thiếu kiến thức về lịch sử như thế, thì liệu hỏi có cần thiết phải đặt lại vấn đề công tâm, thậm chí lương tâm? Hay người viết còn vì một mục đích nào khác? Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được chuyển câu hỏi này đến quý độc giả và các đơn vị có thẩm quyền thẩm định, phán quyết. |