Một ví dụ cho việc tiết kiệm năng lượng, đó là khi ngôi nhà được thiết kế thông thoáng, nhận được gió và ánh sáng tự nhiên thì tất nhiên sẽ bớt được việc phải dùng quạt, máy lạnh và đèn chiếu sáng. Chưa hết, thông gió tự nhiên có lợi cho sức khỏe con người do không khí được trao đổi thường xuyên và thải được không khí bẩn và ẩm ướt trong ngôi nhà ra ngoài.
Rất tiếc, kiến trúc xanh lại chưa trở thành xu hướng chủ đạo trong kiến trúc tại Việt Nam. Chi phí thiết kế và xây dựng các công trình xanh thường cao hơn 30% so với chi phí thiết kế và xây dựng công trình thông thường là nguyên nhân đầu tiên. Sự dày công tính toán, sáng tạo của các kiến trúc sư và việc phải đầu tư thêm một số hạng mục để công trình đạt được “chuẩn” xanh là lý do chính đẩy chi phí thiết kế và xây dựng lên.
Các chi phí này thường sẽ được “hoàn” và “việc đầu tư bắt đầu có lời sau 3 - 5 năm khi công trình xanh đi vào hoạt động từ việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, song vẫn là nguyên nhân lớn khiến nhiều chủ nhà ngại.
Nguyên nhân khác quan trọng không kém: hầu hết nhà phố ở các đô thị của Việt Nam và nhất là TPHCM đều là nhà… ống và tuyệt đại đa số chúng đều quay mặt bám theo đường bất kể đó có phải là hướng Tây nóng nực.
Trong bối cảnh đó, tính toán để nhà đón được hướng gió mát là không đơn giản. Trong các dự án phát triển bất động sản lớn - nơi có không gian thuận tiện để xây dựng các công trình kiến trúc xanh, vì lợi nhuận, hầu hết chủ đầu tư các dự án này không mặn mà.
Thế nhưng, khi Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường như điện mặt trời thì không thể thiếu được một chủ trương khuyến khích thực hành kiến trúc xanh.
Bởi lẽ, ngoài những lợi ích cho chính chủ nhà và “tiểu khí hậu” ngay tại nơi công trình tọa lạc thì việc tiết kiệm năng lượng có được từ việc thực hành này cũng giúp đất nước tiết kiệm năng lượng để từ đó bớt phải đầu tư xây dựng các dự án phát điện.
Nguồn tiền đó có thể dùng cho những việc cần thiết khác. Theo nhiều kiến trúc sư, Nhà nước có thể bắt đầu chủ trương khuyến khích kiến trúc xanh bằng việc xây dựng các công trình bằng nguồn vốn ngân sách theo tiêu chuẩn xanh. Tiếp đó, ban hành các chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị thực hành theo tiêu chí kiến trúc xanh.
Từng bước, từng bước một nên đưa kiến trúc xanh trở thành một trào lưu kiến trúc chủ đạo… Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã được các nhà khoa học dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, lối sống, lối kiến trúc xanh thân thiện với môi trường, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, cần hơn bao giờ hết.