Thông tin từ cuộc tọa đàm cho biết, theo Luật Đường sắt hiện hành, các công trình nhà dân nằm sát đường tàu đều vi phạm vì nằm trên hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Bộ GTVT và TP Hà Nội đã có quy hoạch, kế hoạch giải quyết những bất cập do lịch sử để lại này nhưng chưa thực hiện được. Đặc biệt, việc tổ chức kinh doanh cà phê, các hành vi đi, đứng, ngồi trên đường sắt chụp ảnh, quay phim là những vi phạm rất nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
TP Hà Nội đã quyết tâm vào cuộc, giải tỏa tụ điểm cà phê đường tàu sau khi có văn bản đề nghị của Bộ GTVT. Trong 2 ngày vừa qua, các đơn vị chức năng đã huy động lực lượng, dùng rào cứng, cắm biển cấm người đi bộ với 2 thứ tiếng Việt - Anh để kêu gọi, tuyên truyền người dân, khách du lịch trong và ngoài nước tuân thủ quy định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, liệu các biện pháp này có duy trì được lâu dài, vì không thể có nhân lực để chốt chặn mãi.
Đại diện Công an TP Hà Nội cho biết, biện pháp hàng đầu vẫn là tuyên truyền, vận động kết hợp với rào chắn. Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm địa phương trong việc xử lý cà phê đường tàu, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cũng khẳng định sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để kiên trì thực hiện các giải pháp chống tái lấn chiếm và các hành vi vi phạm khác.
Về ý kiến cho rằng tụ điểm cà phê đường tàu là điểm du lịch độc, lạ, không nên giải tán mà nên có biện pháp cho tồn tại, ví dụ, tại Đài Loan người dân vẫn chụp ảnh du lịch trên đường sắt, đại diện Bộ GTVT và Công an TP Hà Nội đều cho rằng, các hoạt động trong hành lang đường sắt là vi phạm pháp luật, không nên cổ xúy cho những hành vi nguy hiểm cho tính mạng của người dân. Bộ GTVT cũng cho biết, trong tương lai gần, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đang chuẩn bị đầu tư, sau khi hoàn thành, đường sắt sẽ đi trên cao, khi đó đường sắt hiện tại trong nội đô sẽ không chạy tàu nữa.