Theo đánh giá của Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) năm 2022 có bước tiến mạnh, đột phá; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Có 19 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; trong đó, xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người và khiển trách 3 người.
Thẳng thắn nhìn nhận, Chính phủ cho rằng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn và tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Về phương hướng và nhiệm vụ công tác năm 2023, Chính phủ cho biết, sẽ kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTNTC.
Cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán. Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan… Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTNTC tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Nhiều ý kiến nêu rõ, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu, đã chưa nhận diện đầy đủ mức độ tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong PCTNTC. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về PCTNTC nói riêng, tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm.
Theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...
Cùng ngày, qua thẩm tra các báo cáo của các cơ quan tư pháp, trong đó có báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, Ủy ban Tư pháp nhận định, việc lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để trục lợi đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, người dân và xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương. Liên quan đến các vụ việc trên còn có cả những bị can nguyên là cán bộ cấp cao. Trong đó, riêng vụ Việt Á, đến nay Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã khởi tố 26 bị can; công an 21 tỉnh, thành đã khởi tố 24 vụ/63 bị can.
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề đang rất thời sự là phòng cháy chữa cháy (PCCC), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long bày tỏ đau xót về một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó có vụ cháy quán karaoke ở tỉnh Bình Dương làm 32 người thiệt mạng và vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội làm 3 cán bộ, chiến sĩ PCCC hy sinh… Gần đây nhất, Công an TP Hà Nội đã công bố các quán karaoke có vi phạm cho toàn dân biết, nhưng biện pháp đó là chưa đủ. “Karaoke là hoạt động kinh doanh có điều kiện, là cơ sở có nguy cơ rất cao về cháy nổ. Nếu phát hiện không đủ điều kiện về PCCC thì các cơ quan chức năng cần rút giấy phép và có biện pháp xử lý ngay chứ không phải chỉ đăng lên, cảnh báo là xong”, ông Nguyễn Công Long nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) bày tỏ băn khoăn của mình và nêu tâm lý bất an trong nhiều người dân khi mà “tội phạm lừa đảo trên mạng đi thẳng vào giường ngủ, vào bàn ăn của mình, vì vậy ở nhà cũng phải cảnh giác. Điện thoại của chúng ta mỗi ngày nhận được bao nhiêu tin nhắn lừa đảo”. Theo đại biểu, có những tội phạm tồn tại suốt một thời gian dài nhưng không bị phát hiện, cho thấy có vấn đề trong công tác phòng và chống tội phạm.
* Cùng ngày, Ủy ban Pháp luật cũng đã thẩm tra các dự thảo Nghị quyết của UBTVQH sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và dự thảo nghị quyết của UBTVQH sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. |