Theo quy định từ fanpage, kể từ ngày bắt đầu tham gia thử thách, mỗi ngày người tham gia sẽ phải đọc ít nhất 20 trang sách và đăng ít nhất 1 bức ảnh về quyển sách nào đó, cùng một câu chuyện xoay quanh cuốn sách đó để chia sẻ về hành trình 7 ngày đọc sách của bản thân. Ảnh và bài viết sao chép trên mạng sẽ không được tính.
Một thử thách khác cũng diễn ra trong vòng 7 ngày, với hashtag trên mạng xã hội có tên “7 ngày 7 cuốn sách và 7 người bạn”. Trong vòng 7 ngày tham gia thử thách, mỗi ngày người tham gia phải đăng tải hình ảnh bìa một quyển sách lên trang cá nhân và không nói gì về nội dung sách, cũng không bình luận bất cứ điều gì, phải tag tên một người bạn trên mạng xã hội vào. Nhiều tài khoản đăng tải và kêu gọi mọi người cùng tham gia để lan tỏa văn hóa đọc thông qua việc làm này.
Người tham gia có thực sự đọc qua quyển sách đó, hay chỉ chụp ảnh để đăng tải lên mạng xã hội thì không ai kiểm chứng được. Cũng không có gì đảm bảo trong mỗi ngày tham gia thử thách, họ sẽ đọc ít nhất 20 trang sách. Hiệu quả của những trào lưu này đến đâu? Câu trả lời chắc chắn sẽ là không tới đâu, bởi nó sai ngay từ khi bắt đầu.
Không phải ngẫu nhiên mà khi nói đến việc đọc sách, người ta thường dùng cụm từ “văn hóa đọc”. Việc đọc một cuốn sách khác với việc tra từ điển, hay đọc sách giáo khoa, tìm phụ lục để tra nội dung cần tìm. Từ cổ chí kim, chưa bao giờ người ta xếp việc đọc sách vào hình thức thư giãn vội vã. Không đơn thuần là đọc một cuốn sách, mà cần phải có thời gian chiêm nghiệm, suy ngẫm thì mới có thể thưởng thức được hết nội dung một cuốn sách.
Việc đọc sách càng không phải là một môn thi đọc hiểu nên không thể đọc lướt rồi tìm từ khóa và nó cũng không phải là một trò chơi để mang ra thi thố hay thách thức. Đọc sách tùy thuộc vào nhu cầu bản thân của mỗi người. Thời gian đọc sách cũng cần phải cân bằng với thời gian làm việc và những hoạt động vui sống khác. Một người dù yêu sách đến mấy, cũng không thể nào ngồi đó cả ngày chỉ ôm lấy sách mà đọc được.
Lướt mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những quyển sách được sắp xếp trong những khung cảnh thật đẹp, thậm chí có bức hình còn được photoshop, chỉnh sửa màu để nhìn thật “nịnh” mắt. Hay hình ảnh những nam thanh nữ tú ngồi đọc sách với khuôn mặt được trang điểm đầy đủ, cùng biểu cảm chút suy tư trong một quán cà phê nào đó, kèm theo đó là những status có nội dung là những câu trích dẫn trong sách thật sâu sắc. Tất cả những sự chuẩn bị bài bản đó không phục vụ cho việc đọc sách, bởi đọc sách không cần phải quá cầu kỳ đến thế.
Sách sẽ mang lại kiến thức để người ta thêm hiểu biết, tuy nhiên không phải là một thứ phụ kiện thời trang mà chỉ chụp vài tấm ảnh, hay mua thật nhiều thì mình sẽ thật sự hiểu biết. Kiến thức chỉ đến khi người ta biết đọc và thưởng thức sách, chứ không phải biết chụp hình với sách để câu like.