“Chủ động xây dựng, kiến tạo mô hình đặc khu kinh tế mới với những thể chế, chính sách vượt trội, có tính chất đột phá, tạo môi trường đầu tư đặc biệt hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch...”. Đó là những mục tiêu được đặt ra khi xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu), sẽ được thảo luận tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ KH-ĐT về vấn đề này.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KHĐT. Ảnh: VGP
Phóng viên: Nhiều chuyên gia nhận định: Xây dựng đặc khu phải như xây tổ cho phượng hoàng. Ông nhận định gì về quan điểm này?
Ông TRẦN DUY ĐÔNG: Đó là cách nói rất hình tượng, thể hiện những yêu cầu rất cao để thu hút được những nhà đầu tư có chất lượng, tầm cỡ và uy tín toàn cầu. Nhìn chung, xu thế trên thế giới hiện nay là chủ động tạo dựng “sân chơi mới”, chủ động kiến tạo phát triển thông qua việc thường xuyên cập nhật mô hình phát triển mới với thể chế, chính sách vượt trội, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Việt Nam cũng cần phải chủ động xây dựng, kiến tạo một mô hình đặc khu kinh tế mới với những thể chế, chính sách vượt trội, có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và tạo động lực mới đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế.
Cụ thể, những vượt trội, đột phá là gì, thưa ông?
Chẳng hạn về quy hoạch, đặc khu sẽ chỉ có một quy hoạch tổng thể do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này nhằm đảm bảo việc xây dựng và phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phù hợp với định hướng, mục tiêu, lợi thế so sánh của từng đặc khu, hạn chế tối đa sự phát triển tự phát; đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ giữa hoạt động phát triển của các ngành, lĩnh vực với nhau và phù hợp với dự thảo Luật Quy hoạch. Quy hoạch tổng thể này cũng sẽ giúp các đặc khu tránh được việc bị chi phối bởi những quy hoạch ngành, chuyên môn không cần thiết như đã thấy. Đặc biệt, điểm “mới” và “mở” của dự thảo luật là cho phép thuê tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài xây dựng quy hoạch Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để đảm bảo chất lượng và tầm nhìn dài hạn của quy hoạch.
Ngoài ra, còn những điểm hấp dẫn khác như không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà đầu tư được lựa chọn pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế để điều chỉnh hợp đồng dân sự, thương mại, kinh doanh có yếu tố nước ngoài; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư với các tổ chức, cá nhân khác tại tòa án nước ngoài, loại trừ một số tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của tòa án Việt Nam. Đây là một trong những điểm đột phá về tư pháp nhằm giải tỏa những lo ngại, băn khoăn của các nhà đầu tư nước ngoài từ trước tới nay.
Đặc biệt, có nhiều điểm đột phá trong dự luật để quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư được tôn trọng triệt để hơn. Chẳng hạn danh mục các ngành, nghề đầu kinh doanh có điều kiện kiện đối với nhà đầu tư tại các đặc khu chỉ còn 108. Đó là một số ngành thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Hoặc thủ tục đầu tư kinh doanh, cũng như các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng, hải quan, lao động, môi trường… cũng sẽ đơn giản, nhanh gọn, giải quyết tại chỗ. Nơi giải quyết sẽ là trung tâm hành chính công, vốn là mô hình rất thuận lợi để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà đầu tư thực hiện quyền tự chủ lựa chọn các hình thức đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế.
Việc cho thuê đất ở các đặc khu tới 99 năm như dự thảo đưa ra đang khiến nhiều người lo ngại. “Sự vượt trội” này so với Luật Đất đai hiện hành nhằm mục đích gì?
Đây chính là một trong những quy định nhằm cạnh tranh với những đặc khu kinh tế trên thế giới. Dĩ nhiên không phải bất cứ dự án nào, nhà đầu tư nào cũng sẽ được thuê đất tới 99 năm. Chúng tôi đã đề xuất nâng thời hạn sử dụng đất so với quy định hiện hành. Nhưng thời hạn tối đa 99 năm chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề ưu tiên phát triển và được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Bên cạnh đó, các tổ chức kinh tế cũng được phép thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị cho phép người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở thương mại thông qua nhận chuyển nhượng trực tiếp từ tổ chức, cá nhân trong nước và từ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hiện nay Chính phủ cũng đã giao Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xây dựng 2 đề án đảm bảo quốc phòng và an ninh tại các đặc khu. Chúng tôi tin rằng những quy định ấy đủ để hạn chế những tác động tiêu cực hoặc không mong muốn.
Liệu lao động Việt Nam, cùng với các điều kiện khác, có đáp ứng được trình độ phát triển ở các đặc khu không?
Những khó khăn này sẽ được giải quyết bằng các chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Có thể kể đến những chính sách như hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động Việt Nam; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân. Song song đó là việc gắn kết chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và người lao động với chính sách tiền lương tự chủ, chế độ đãi ngộ cao, khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Đây vừa là cơ hội vừa là áp lực để lao động Việt Nam, cũng như quá trình đào tạo nhân lực, phải chủ động nâng cao chất lượng, năng lực của mình. Bởi không chỉ ở các đặc khu, mà với quá trình hội nhập, chất lượng và năng lực lao động sẽ là những lợi thế mà không phải cứ có chính sách là có được.
Xin cảm ơn ông!