Hiệu quả, sức hút
“Em ơi ăn gì?”. Tiếng chào khách của chị Thảo, chủ quán cô Vy, số 10 tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm (quận 1) vang lên sốt sắng. Vừa hỏi khách, chị nhanh tay cho thức ăn vào hộp, phục vụ khách đứng đợi sẵn. “Đến nay là năm thứ ba tôi bán ở phố hàng rong. Trước kia bán vỉa hè ở gần trường học, phải nơm nớp lo sợ bị phạt. Về phố hàng rong, buôn bán ổn định hơn. Chính quyền địa phương cấp luôn cho xe đứng bán, không tốn chi phí mặt bằng, chỉ đóng tiền điện, tiền nước. Đợt dịch vừa rồi các hộ dân kinh doanh bị ảnh hưởng cũng được địa phương hỗ trợ thêm”, chủ quán kể.
Chị chủ quán số 9 kế bên nói thêm vào: “Tui cũng vậy, trước bán vỉa hè ở gần nhà, về đây mới có chỗ ổn định để kinh doanh, không phải chạy tới chạy lui lo chuyện lấn chiếm lề đường. Cũng mong có thêm vài phố hàng rong như vậy cho những người còn khó khăn bán ngoài vỉa hè”.
Khoảng 20 hộ kinh doanh có hoàn cảnh khó khăn tương tự đã và đang ổn định cuộc sống sau gần 3 năm buôn bán tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm. Nơi đây cũng trở thành tuyến phố hàng rong hợp pháp đầu tiên, mang lại hiệu quả tích cực trong việc quy hoạch kinh doanh vỉa hè, là địa chỉ quen thuộc, yêu thích của giới văn phòng khu vực trung tâm như quận 1, quận 3. Hiện tại, phố hàng rong hoạt động tương đối tốt, mỗi ngày có 2 ca bán từ 6 giờ đến 10 giờ và từ 11 giờ đến hơn 15 giờ. Tại đây, thực khách đã có thể sử dụng ví điện tử để mua hàng thay vì tiền mặt.
Bên cạnh hiệu quả của phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm, sức hút của phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) cũng là điều cần được nhắc tới. Riêng phố đi bộ Nguyễn Huệ, sau hơn 5 năm khánh thành công trình quảng trường, đã trở thành một trong những điểm đến văn hóa, du lịch hàng đầu với rất nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Khi dịch Covid-19 được khống chế, từ tháng 7, phố đi bộ Nguyễn Huệ tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố định kỳ vào thứ bảy hàng tuần. Lễ hội TPHCM diễn ra mới đây cũng đã thu hút lượng lớn người dân tham gia, thưởng lãm. Chị Phan Thị Ý Nhi (35 tuổi, ngụ khu phố 4, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) chia sẻ: “Phố đi bộ vừa đẹp vừa an toàn. Tới đây ai cũng thoải mái dạo bộ, ngắm phố, đọc sách, tham gia các trò chơi cộng đồng, xem các chương trình nghệ thuật hấp dẫn”.
Kiến tạo không gian văn hóa
Mới đây, UBND TPHCM đã đồng ý đề án thành lập phố đi bộ tại quận 10. Dự kiến, tuyến phố vận hành từ tháng 9 với 48 gian hàng ẩm thực, đồ lưu niệm… cùng các hoạt động văn hóa đường phố, trò chơi; hoạt động từ 18 giờ đến 23 giờ hàng ngày. Đồ uống có cồn và thực phẩm chưa qua chế biến không được phép kinh doanh tại đây. Đại diện Phòng Kinh tế quận 10 cho biết, người dân rất mong chờ mô hình này trên địa bàn. Phòng đã nhận hồ sơ đăng ký tham gia kinh doanh của gần 90 hộ và đang trong quá trình xét duyệt để chọn 48 hộ. “Từ 1-7 đến 30-8, chúng tôi tổ chức triển khai thi công. Hiện tại đang trong giai đoạn thiết kế xe, dù và cho các hộ đăng ký kinh doanh. Các hộ đủ các tiêu chí về thương hiệu uy tín, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng… sẽ được chọn và công khai. Chúng tôi chọn phương án xã hội hóa cho mô hình này”, người này cho biết.
Không có lợi thế là khu vực trung tâm và thành lập phố đi bộ sau các nơi khác, tuy nhiên, quận 10 đang tích cực xây dựng phố đi bộ, mua bán văn minh, tạo không gian giải trí cho người dân và du khách, tạo điểm nhấn về văn hóa. Ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch UBND quận 10, chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo một điểm đến văn hóa. Mà đã là văn hóa thì sẽ là phố đi bộ không bia rượu, không thức uống có cồn. Rượu bia dễ mang lại nhiều hệ lụy. Chúng tôi sẽ khắc phục những hạn chế mà một số phố đi bộ khác đang gặp, để có mô hình mới mang nét hấp dẫn riêng. Ngoài mục tiêu chính là tạo điểm đến văn hóa, ẩm thực, chúng tôi còn nỗ lực phát triển kinh tế, để người dân trên địa bàn được hưởng lợi trực tiếp”.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, An Giang... đều có những tuyến phố đi bộ. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, một số phố đi bộ đã và đang bộc lộ không ít hạn chế về tình hình an ninh trật tự, hàng rong, ô nhiễm tiếng ồn, hoạt động nghệ thuật đơn điệu, thiếu sự kiện văn hóa đặc sắc… Như ở phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TPHCM), nguy cơ trở thành điểm nóng về mất an toàn trật tự là có thật. Từ khi đưa vào hoạt động, nơi đây đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ tại TP. Do khai thác chưa hiệu quả, hoạt động biểu diễn nghệ thuật như ý định ban đầu còn thưa thớt.
Đã đến lúc việc kiến tạo, giữ gìn không gian văn hóa, nâng cao hiệu quả phố đi bộ cần được các địa phương quan tâm hơn nữa, tránh tình trạng mở phố đi bộ hình thức, theo phong trào nhưng hoạt động kém hiệu quả, có nguy cơ biến tướng.
Trong nỗ lực mang lại không gian văn hóa tại các phố đi bộ, trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ: “TPHCM luôn mong muốn tạo nhiều điều kiện thụ hưởng văn hóa cho người dân TP và tạo không gian văn hóa nghệ thuật sinh động, đa dạng, gần gũi tại khu vực trung tâm. Việc tổ chức chương trình nghệ thuật đường phố đa dạng, phong phú, hấp dẫn, định kỳ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ là nhằm đem lại sản phẩm nghệ thuật chất lượng cho người dân, góp phần kích cầu du lịch, tạo điểm đến cho du khách trên địa bàn thành phố”. |