- Phóng viên: Saigon Co.op được nhìn nhận là nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Saigon Co.op đã liên tục gia tăng tỷ lệ hàng Việt xuất khẩu vào nhiều thị trường thế giới. Vậy phải chăng chiến lược phát triển thị trường của Saigon Co.op đã có sự thay đổi thưa ông?
* Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op: Phải khẳng định rằng, chiến lược của Saigon Co.op không thay đổi mà tùy theo bối cảnh kinh tế mà lựa chọn hình thức phù hợp. Để hiểu rõ điều này phải trở lại những năm đầu hình thành và phát triển Saigon Co.op. Từ thập niên 90, chúng tôi đã tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu. Sau đó, vì nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao nhưng hoạt động sản xuất trong nước chưa đáp ứng kịp, chúng tôi đã gia tăng tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cho đến khi hoạt động sản xuất trong nước phát triển mạnh hơn, các doanh nghiệp tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng, phù hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng của người dân, chúng tôi đã ưu tiên lựa chọn hàng Việt để phân phối đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là lý do mà hiện tỷ lệ hàng Việt chiếm hơn 90% trong toàn hệ thống phân phối Saigon Co.op.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập 17 hiệp định thương mại tự do, mở ra thị phần rất lớn cho hàng Việt. Mặt khác, doanh nghiệp Việt sau một thời gian dài đầu tư cho chất lượng, thương hiệu đã vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe, khẳng định vị thế tại nhiều thị trường khó tính. Quan trọng hơn, nhu cầu tiêu dùng hàng Việt tại nhiều thị trường toàn cầu tăng mạnh. Cộng tất cả những yếu tố trên, Saigon Co.op đã đưa ra chiến lược phát triển thị phần xuất khẩu cho hàng Việt.
- Việc xuất khẩu hàng Việt thông qua Saigon Co.op có khác gì so với việc doanh nghiệp tự xuất khẩu?
* Nói là khác thì cũng không hoàn toàn. Nhìn chung vẫn là doanh nghiệp phải sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu mà mình hướng tới. Tuy nhiên, với việc “bắt tay” với Saigon Co.op, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu đáng kể những rủi ro trong quá trình xuất khẩu. Có thể kể đến, doanh nghiệp sẽ không phải tự tìm đơn hàng và không cần phải tính toán đủ lượng hàng nhất định mới có thể xuất khẩu. Doanh nghiệp có thể cộng gộp đơn hàng cùng với những doanh nghiệp khác trong hệ thống cung ứng của Saigon Co.op khi xuất khẩu. Điều này rất có lợi cho những doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, vừa mở rộng thị phần nhưng chi phí hợp lý nhất, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đặc biệt, doanh nghiệp còn được hỗ trợ sản xuất hàng hoá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ngay tại trong nước, tránh được nguy cơ tổn thất do hàng xuất khẩu bị trả hàng.
- Ông có thể cho biết những giải pháp mà Saigon Co.op đang triển khai nhằm gia tăng tỷ lệ hàng Việt xuất khẩu?
* Chúng tôi thực hiện đồng bộ hai giải pháp, một là xuất khẩu nhóm hàng nhãn riêng của Saigon Co.op và xuất khẩu nhóm hàng của các doanh nghiệp là nhà cung cấp của Saigon Co.op. Chúng tôi từng bước thiết lập những hành lang xuất khẩu an toàn cho hàng Việt xuất khẩu bằng cách thiết lập hợp tác với nhiều chuỗi phân phối trên toàn cầu. Đơn cử, trong năm 2023, thông qua hợp tác với NUTC Fair Price - đơn vị bán lẻ hiện đại chuyên nghiệp có trên 260 siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… đóng góp 57% thị phần tại Singapore, Saigon Co.op xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ hải sản của Việt Nam sang thị trường Singapore với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 90 tỷ đồng.
Gần đây nhất, chúng tôi đã bắt tay cùng Công ty STC Natural Vina xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ. Nhóm hàng hóa được lựa chọn xuất khẩu đợt này mang đậm bản sắc, tinh hoa ẩm thực Việt như nước chấm, bún, phở, gia vị, trà, café… với giá trị đơn hàng gần 70.000 USD. Toàn bộ các sản phẩm Việt này sẽ được bày bán tại hệ thống siêu thị H–mart thuộc tập đoàn Hee Chang - tập đoàn bán lẻ danh tiếng của Hàn Quốc với bề dày hơn 30 năm tại thị trường Mỹ với hơn 100 điểm bán trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Trước đó, hai đơn vị cũng vừa xuất thành công 2 container hàng Việt sang thị trường Canada. Dự kiến, với những hành lang an toàn cho xuất khẩu mà Saigon Co.op đang thiết lập trên, sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Saigon Co.op chạm mốc 120 tỷ đồng vào năm 2025.
- Thông qua những đơn hàng xuất khẩu hàng Việt vừa qua, ông nhìn nhận như thế nào về năng lực cung ứng hàng Việt xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước?
* Nhìn nhận tổng quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 9 đã đạt 5,85 tỷ USD. Đặc biệt thặng dư thương mại toàn ngành đã đạt 13,9 tỷ USD, chiếm 66,8% tổng thặng dư của cả nền kinh tế. Cá biệt, nhiều nhóm ngành hàng như gạo, rau quả, tôm, cá tra, cà phê…, có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh giao động từ 7% - hơn 36%. Chưa dừng lại đó, giá xuất khẩu bình quân của các nhóm hàng trên cũng tăng cao giao động từ 14,8 - 54,5%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất.
Những con số này đủ để khẳng định năng lực xuất khẩu của hàng Việt. Vấn đề còn lại là quy mô sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hơn 90% doanh nghiệp vẫn ở quy mô vừa và nhỏ. Do vậy, việc thúc đẩy nhanh giải pháp cộng hưởng trong hoạt động xuất khẩu thông qua các hệ thống phân phối sẽ giúp doanh nghiệp phát triển thị phần nhanh, ổn định và bền vững hơn. Và Saigon Co.op đã sẵn sàng cho vai trò đó, đồng thời chúng tôi cũng sẽ không ngừng kiến tạo, kết hợp mở rộng mạng lưới hành lang an toàn xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.