Kiến tạo cộng đồng cho di sản đình làng

Trong vòng xoáy đời sống đô thị đang không ngừng thay đổi thì đình làng được xem như cái neo lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống, ghi dấu tiền nhân trong buổi đầu mở cõi.

Trên địa bàn TPHCM hiện nay còn gần 300 ngôi đình, đền cùng hàng chục lăng... Đây là nơi thường xuyên diễn ra những sinh hoạt thờ cúng thần Thành Hoàng và các nhân vật lịch sử, một tập tục lâu đời và phổ biến có quan hệ chặt chẽ với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tâm thức mang tính đạo lý chung của người Việt Nam - uống nước nhớ nguồn.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, du lịch văn hóa là chiến lược quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - văn hóa của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng. Theo nhiều chuyên gia, chất liệu tối ưu nhất để phát triển du lịch văn hóa ở thành phố chính là vốn văn hóa bản địa. Trong đó, hệ thống đình làng tại TPHCM chính là nguồn tài nguyên độc đáo để khai thác du lịch và xây dựng các chương trình tham quan mang bản sắc riêng của từng quận huyện và TP Thủ Đức trong lòng đô thị.

Tuy nhiên, để nguồn di sản trăm năm này trở thành động lực và tài nguyên trong tiến trình định vị bản sắc thành phố cũng như khai thác du lịch văn hóa, có không ít thách thức đặt ra. Theo đó, để đưa một ngôi đình vào tour, tuyến tham quan hiện mới chỉ có các giải pháp tạm thời, không đủ sức hút và không thể giữ chân du khách lâu dài. Bên cạnh đó, phần lớn các đình trong thành phố hiện nay hoạt động theo thông lệ “xuân thu nhị kỳ” nên không mấy du khách biết đến.

Do vậy, để khai thác bền vững trong đường dài, cần hơn hết chính là một bản đồ quy hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị đình làng Nam bộ tại thành phố, bởi không phải tất cả các đình đều phù hợp để đưa vào tour du lịch… Cần quy hoạch tập trung vào các ngôi đình tiêu biểu, đặc sắc về văn hóa - lịch sử - kiến trúc, đáp ứng về mặt không gian, hạ tầng, vị trí… để có thể đón khách từ vãng lai đến những đoàn khách lớn cố định.

Khai thác du lịch không phải là câu chuyện ngày một ngày hai mà cần những giải pháp thiết thực để giữ chân khách có thể quay lại lần 2, lần 3. Kiến tạo cộng đồng cho di sản, cụ thể là kiến tạo cộng đồng chung quanh đình làng, chính là giải pháp cần tính toán bởi tour tham quan chỉ có một hoặc một vài ngôi đình chẳng khác nào du lịch hành hương và không thể thuyết phục số đông du khách, nhất là với khách nước ngoài đang chuộng xu hướng du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong tour du lịch của họ chỉ có một ngôi đình nhỏ nhưng quanh đó là cả một ngôi làng, một cộng đồng dân cư với nét sinh hoạt, tập tục hay làng nghề truyền thống được lưu giữ hàng trăm năm. Du khách không chỉ đến tham quan ngôi đình mà còn trải nghiệm cuộc sống người dân địa phương, mua sắm các sản phẩm du lịch đặc trưng… Chính tập tục, nét sinh hoạt của cộng đồng cư dân quanh đình với các lễ hội, tập quán là yếu tố quan trọng mời gọi du khách quay lại lần 2, lần 3 để tham gia và trải nghiệm đời sống người dân bản địa quanh ngôi đình.

Kiến tạo một cộng đồng dân cư quanh di sản đình làng cũng là cách để người dân tại nơi có di sản nhận thức rõ hơn về giá trị của di sản, lòng tự hào về truyền thống, vẻ đẹp của quê hương, đất nước, về ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản trăm năm này. Những cuộc vận động nhân dân sống trong vùng di sản tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động góp phần chăm chút di sản, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch góp phần nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Những di tích trong một cộng đồng nhỏ như đình làng, khi được phát huy giá trị sẽ tạo nên sự cộng cảm, kết nối cộng đồng, tình làng nghĩa xóm qua những hoạt động chung, xoay quanh việc phụng thờ các nhân vật lịch sử, các hoạt động hội hè và đem lại sự cân bằng cho đời sống tâm linh của người dân. Các kỳ hội là dịp nhắc nhớ truyền thống, lịch sử, cội nguồn, sự đoàn kết, lòng hướng thiện cho mỗi người dân trên đất nước, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho họ trong lao động sản xuất và dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển hơn nữa!

Tin cùng chuyên mục