LTS: Thời gian qua, tình trạng karaoke, loa kẹo kéo gây ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư làm người dân bức xúc nhưng chưa được xử lý triệt để. Trước tính hình trên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa có chỉ đạo tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn, tiếp tục giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm sự bình yên cho người dân, không chỉ hô hào như bao năm qua. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành các cấp, nhất là ở cơ sở.
Báo Sài Gòn Giải Phóng mở Diễn đàn “Kiên quyết xử lý ô nhiễm tiếng ồn từ Karaoke, loa kẹo kéo” nhằm lắng nghe, ghi nhận ý kiến bạn đọc, góp phần cùng với thành phố xử lý dứt điểm tình trạng này.
CHỊ TRẦN THU HÀ (30 tuổi) ngụ quận Tân Phú
Nhiều hệ lụy từ nạn karaoke tự phát
Nạn karaoke trong khu dân cư, quán nhậu đã tồn tại nhiều năm qua. Đi trên đường tôi dễ dàng bắt gặp nhiều thanh niên chở loa kéo phía sau xe máy tới từng quán nhậu để hát, nhiều thượng khách khi có chút hơi men cũng mượn những loa kéo này để thi hát, thể hiện tài năng.
Dịp tết vừa qua, ở nơi tôi ở nhiều người còn sắm cả loa kẹo kéo công suất lớn, vừa nhậu vừa hát từ sáng đến đêm khiến cả khu dân cư rất bức xúc. Tôi đã từng chứng kiến vì hát karaoke ồn ào mà chửi bới, dẫn đến xích mích, mất tình làng nghĩa xóm thậm chí đâm chém nhau đến mất mạng. Hậu quả từ việc hát karaoke kiểu này dù lớn hay nhỏ thì đó cũng là một hành vi đáng lên án, gây ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng xã hội.
Thực tình, lâu nay tôi sợ mất tình làng nghĩa xóm nên không dám nhắc nhở, cũng không báo chính quyền. Tuy nhiên, tôi nghĩ cán bộ mỗi khu phố, cảnh sát khu vực phải có trách nhiệm tuần tra hoặc xử lý theo phản ảnh của người dân.
ANH PHAN THÀNH THUẬN (45 tuổi), ngụ quận Bình Tân
Sớm dẹp bỏ nạn karaoke trong khu dân cư
Chỗ tôi ở, nhiều người thường xuyên hát karaoke mỗi khi có đám tiệc, vui cũng hát mà buồn cũng hát, cuối tuần họ lại kéo nhau đến từng nhà để tụ tập nhậu nhẹt ồn ào, có chút hơi men lại hát. Khi đã say xỉn nhiều người không chỉ hát mà còn la hét.
Tôi nghĩ, tổ trưởng tổ dân phố phải có trách nhiệm nhắc nhở người dân hoặc kiến nghị lên chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Đi trên đường, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các quán nhậu, beer club vỉa hè cũng rất phổ biến. Nhiều hàng quán còn mở nhạc âm lượng lớn, hết công suất để gây sự chú ý, thực trạng này cũng đang gây ảnh hưởng rất lớn đến các khu dân cư. Tôi nghĩ khi có nhu cầu người dân có thể tìm đến các quán karaoke để giải trí hoặc mở âm lượng ở mức phù hợp, không gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
Bà NGUYỄN THỊ KIM YẾN (50 tuổi) ngụ huyện Bình Chánh
Lập đường dây nóng giải quyết “vấn nạn karaoke” ở khu dân cư
Thỉnh thoảng tôi cũng hát karaoke giải trí ở nhà nhưng âm thanh chỉ đủ nghe. Đám tiệc thì xóm tôi có nhà mời dàn nhạc sống về hát đến tận nửa đêm, ngày thường thì hát bất kể giờ nghỉ trưa hay buổi tối. Đám tiệc thì mình du di được, còn chuyện hát karaoke bất kể giờ nghỉ trưa, nghỉ tối thì không chấp nhận được. Không phải một nhà, mà mạnh ai nấy mở loa lớn hết cỡ, kiểu “ông hát được thì tôi cũng hát được”, cả xóm lãnh đủ. Như đợt tết vừa rồi, ngày nào cũng hát, hát từ tất niên đến tân niên. Hàng xóm có bực cũng ngại chuyện góp ý ngày đầu năm nên mạnh ai nấy hát. Con gái út tôi ngán ngẩm quá, thuê nhà trọ gần công ty ở luôn, chứ về nhà vừa nằm nghỉ được chút thì hàng xóm lại “tra tấn” karaoke.
Tôi nghĩ muốn xử lý tình trạng này, đầu tiên phải tác động ý thức của người dân, nếu không tuân thủ thì xử phạt. Người dân muốn báo cơ quan chức năng thì báo cho ai, xã không giải quyết được thì huyện có giải quyết không? Phải có đường dây nóng về “vấn nạn karaoke” để bà con biết đường trình báo.
Bà ĐOÀN THỊ KIM LIÊN, khu phố 4, phường 4, quận 4
Đưa quy định hát karaoke vào quy ước cộng đồng
Trên địa bàn tổ dân phố 25, khu phố 4 có những hộ tự quản về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… để thực hiện các quy ước cộng đồng. Trong quy ước chung, tổ dân phố có yêu cầu người dân sau 22 giờ đêm không được mở karaoke. Chúng tôi còn có quy định cụ thể hơn là không được mở từ 18-20 giờ để trẻ em học bài. Nhưng rất ít nơi làm được điều này.
Rõ ràng vấn nạn này từ nhiều năm nay đã và đang hoành hành rất nhiều khu dân cư. Có nhiều vụ việc, hệ lụy không hay xảy ra do hát karaoke quá lố, dù có quy định về đo tiếng ồn để xử phạt nhưng thực tế vẫn chưa tác động, thay đổi. Theo tôi, việc đưa các quy định hát karaoke như thế nào vào quy ước cộng đồng là điều cần thiết, quy ước cộng đồng phải thật sự đi vào đời sống.
Ông LÊ MINH TUẤN ANH, Chủ tịch UBND phường 4, quận 3
Nâng cao trách nhiệm quản lý địa bàn
Ngay sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chấn chỉnh tình trạng karaoke trên địa bàn.
Thú thật, cũng như các địa phương khác, trước nay việc xử lý hát karaoke ồn ào gây mất an ninh trật tự không dễ dàng gì. Bởi lẽ, theo luật định việc xử lý phải được xác định cụ thể tại thời điểm đó mức độ ồn là bao nhiêu. Nhưng chúng tôi chưa được trang bị máy chuyên dùng, thiết bị chuyên ngành để xác định. Khó khăn như thế nhưng không có nghĩa là không có giải pháp chấn chỉnh! Thực tế, vì tình làng, nghĩa xóm và nhiều lý do tế nhị khác, người dân dù có bức xúc với chuyện hát hò kiểu này không thể góp ý trực tiếp. Rất may là chúng tôi đã vận dụng công nghệ trong tổ chức tiếp nhận thông tin.
Ngoài đường dây nóng, người dân còn có thể phản ánh trực tiếp trên trang Zalo, Viber của UBND phường 4 và cảnh sát khu vực. Khi nhận được thông tin phản ánh, dù bất kể giờ nào, chúng tôi cũng tổ chức lực lượng đến ngay hiện trường. Chúng tôi luôn ý thức rằng, trong các trường hợp như vậy, nếu chậm trễ sẽ dễ dàng dẫn đến những hậu quả không thể lường được. Việc vận động kết hợp với răn đe của lực lượng công an đã mang lại hiệu quả khá tích cực. Trong kế hoạch có nhiều giải pháp, song song với vận động người dân chấp hành giờ giấc sinh hoạt, chúng tôi sẽ chú trọng đến công tác nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý địa bàn của đoàn thể, nhất làcảnh sát khu vực!