Ngày 27-6, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), chủ trì hội nghị.
Có biểu hiện của lợi ích nhóm rất tinh vi
Tại hội nghị, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP), khẳng định, thực tế trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là khi phát hiện vi phạm lại xử lý chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái của nhân viên.
Về vấn đề này, đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, tham nhũng ngày một tinh vi, được che chắn, tiềm ẩn dưới hình thức như lợi ích nhóm hoặc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài. Trong những vụ việc phát hiện tham nhũng, có biểu hiện của lợi ích nhóm rất tinh vi, thậm chí cấu kết chặt chẽ thành một nhóm người, có những vụ việc tạo ra lợi ích nhóm từ việc xây dựng cơ chế, chính sách để làm lợi cho một số người có chức vụ, quyền hạn…
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, một trong giải pháp để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng từ lớn đến vặt là thực hiện luân chuyển các vị trí công tác. Các đơn vị của TTCP cần có đường dây nóng để lắng nghe phản ánh của người dân. Song song đó, tập trung tinh giản biên chế, đưa ra đãi ngộ tương xứng với những cán bộ, công chức có năng lực.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho bết nhiều quy định pháp luật còn chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau. Đây là kẽ hở cho cán bộ nhũng nhiễu, do đó Chính phủ cần tổng rà soát các văn bản liên quan đến kinh doanh để sửa đổi những quy định chồng chéo, bất hợp lý, thiếu minh bạch; xóa bỏ cơ chế xin cho.
Cần lên án hành vi đưa - nhận hối lộ
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN phát biểu, thời gian qua, công tác PCTN đã có bước tiến rõ rệt và chuyển biến tích cực. Tuy vậy, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư; cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Có người nói đa số cán bộ làm việc tốt, có trách nhiệm, chỉ một bộ phận hư hỏng gây ra tình trạng nhũng nhiễu. Nhưng tôi thấy bộ phận này lại không nhỏ, rải rác khắp nơi, ở nhiễu lĩnh vực, ngành nghề, địa phương”, Phó Thủ tướng nêu, đồng thời chỉ rõ, tham nhũng vặt tràn lan hiện nay do những cán bộ, công chức có phẩm chất không tốt và do thói quen đưa hối lộ, lót tay vẫn còn tồn tại trong xã hội. Vì thế, Phó Thủ tướng kêu gọi toàn xã hội phát động phong trào lên án hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Đồng chí Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh, Chính phủ luôn xác định quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh PCTN, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Trong đó, Chỉ thị 10 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; đề cao tính kỷ luật, kỷ cương về tinh thần phục vụ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thể hiện thái độ cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu tiêu cực, tham nhũng.
Theo Phó Thủ tướng, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, tới đây kiên quyết xử lý hình sự, không xử lý hành chính đối với những trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Chính phủ đề ra mục tiêu đến 2030 giảm số công chức vòi vĩnh, đòi hối lộ khi giải quyết công việc của người dân xuống dưới 10% (phấn đấu giảm thấp hơn nữa); giảm số công chức vòi vĩnh doanh nghiệp xuống dưới 5%. Các cơ quan chức năng cần tập trung chống “tham nhũng vặt” ở những lĩnh vực nhạy cảm như thuế, hải quan, quản lý đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành, cơ sở khám bệnh...