Lòng đường, công viên, bờ kè.... thành quán ăn, bãi xe
Tại khu vực bờ kè lô S, cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), dù chính quyền địa phương gắn nhiều biển “cấm kinh doanh buôn bán”, tuy nhiên chủ các quán ăn trong khu vực vẫn ngang nhiên lấn chiếm làm nơi kinh doanh. Tại đây, một số khách ăn nhậu tiện tay vứt rác xuống sông, hoặc thải bừa dọc bờ kè, lòng đường. Không chỉ chiếm dụng khuôn viên bờ kè làm nơi để bàn ghế, ban đêm, khách đông, chủ các quán ăn lấn chiếm lòng đường làm nơi để xe, gây cản trở giao thông. Chị Bùi Thị Thu Thủy (cư dân phường 27, quận Bình Thạnh) ngán ngẩm: “Nhiều năm qua, lòng lề đường và toàn bộ bờ kè ở lô S cư xá Thanh Đa đều bị các hộ kinh doanh lấn chiếm, nhiều lúc gia đình tôi muốn đi dạo mát sau những giờ làm việc căng thẳng nhưng không còn một khoảng trống”…
Vào buổi tối, một phần công viên ở đường Phạm Huy Thông (phường 7, quận Gò Vấp) cũng bị lấn chiếm làm nơi buôn bán trà sữa, kem, đồ ăn vặt... Khách tấp nập ra vào hàng quán đến tận đêm khuya, gây ồn ào, mất trật tự. Phần lòng đường bị các hàng quán trưng dụng làm bãi để xe, không còn lối cho người đi bộ.
Hai công viên khác nằm trên đường Hồ Thị Tư (phường Hiệp Phú, quận 9) và công viên Hiệp Phú (phường Hiệp Thành, quận 12) cũng trong tình trạng tương tự. Tại công viên Lê Thị Riêng (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10) cũng bị dựng rào chắn để làm bãi giữ xe, chủ yếu phục vụ các hàng quán, dịch vụ bên trong công viên…
Địa phương có xử lý, nhưng...
Anh Trần Bá Thành (49 tuổi, ngụ đường Lê Văn Khương, quận 12) phản ánh, khuôn viên công viên Hiệp Phú từ lâu đã bị hàng quán chiếm dụng. Công viên vốn dĩ là mảng xanh đô thị, là không gian sinh hoạt chung của tất cả mọi người. Vì vậy, người dân rất mong chính quyền địa phương quan tâm, xử lý triệt để các hộ kinh doanh vi phạm, trả lại khoảng không gian sinh hoạt chung.
Chị N.T.C (nhà gần công viên Phạm Huy Thông, quận Gò Vấp) ý kiến: “Người dân phản ánh, cán bộ trật tự đô thị có xuống nhắc nhở, lập biên bản, xử phạt hành chính, tuy nhiên khi lực lượng đi khỏi, công viên bị lấn chiếm như cũ. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh hơn, ngoài xử phạt hành chính, có thể rút giấy phép kinh doanh những trường hợp vi phạm nhiều lần”.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Vì sao không thể xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, công viên? Có hay không việc chính quyền địa phương, ngành chức năng buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho vi phạm tồn tại?
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú, quận 9, xác nhận có tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm công viên trên đường Hồ Thị Tư để kinh doanh buôn bán. “Phần lớn những hộ kinh doanh tại công viên đều là người buôn gánh bán bưng, người nghèo từ các tỉnh lẻ đến ở trọ, mưu sinh kiếm sống. UBND phường cũng thường xuyên ra quân tuyên truyền, xử lý những gánh hàng rong vi phạm. Tuy nhiên, khi xử lý được người này thì lại có người khác tới lấn chiếm. Thời gian tới, UBND thành lập các đội, đột xuất đi tuần tra, nhằm hạn chế việc tụ tập buôn bán tại khu vực này”, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết.
Còn Phó Chủ tịch UBND phường 27, quận Bình Thạnh Đào Thúy Vân nói: “Nhiều năm qua, UBND phường cũng thường xuyên ra quân dọn dẹp, tịch thu đồ của nhiều hộ buôn bán lấn chiếm tại khu vực bờ kè lô S. Tuy nhiên, ngay sau lực lượng chức năng vừa rời đi thì nhiều hộ dân lại tràn ra để tiếp tục buôn bán. Hơn nữa, hiện nay lực lượng tại phường rất mỏng, phải phụ trách nhiều mảng khác nhau nên rất khó để xử lý dứt điểm trong khoảng thời gian ngắn. Thời gian tới, địa phương sẽ kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, khuôn viên bờ kè ở khu vực trên".