Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, một số nội dung liên quan.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, lý do nào khiến TPHCM phải “xử lý” 180 dự án vừa công bố?
- Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: Đây là những dự án được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê chuyển mục đích sử dụng đất và đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 để các chủ đầu tư chuẩn bị kế hoạch đầu tư, triển khai dự án.
Tại TPHCM, bên cạnh hàng loạt quy định pháp luật về đất đai, thành phố còn phải dựa vào quy hoạch sử dụng đất làm cơ sở quản lý đất đai. Ngoài ra còn có 2 nghị quyết của Chính phủ, đó là Nghị quyết 02 năm 2014 và Nghị quyết 80 năm 2017. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2016-2020, TPHCM đã đưa vào kế hoạch đầu tư khoảng 4.800 dự án.
Theo quy định thì hàng năm phải lập kế hoạch sử dụng đất, tức trong nhóm 4.800 dự án nói trên, dự án nào kiểm soát đủ điều kiện (như vốn, năng lực chủ đầu tư…) thì chúng ta đưa vào kế hoạch sử dụng đất của năm đó để triển khai.
Như vậy, khi đưa một dự án vào kế hoạch sử dụng đất thì phải có đầy đủ các pháp lý từ chủ trương đầu tư cho đến nguồn lực về vốn. Hiện nay, khi kiểm tra lại theo Luật Đất đai, nếu dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất 3 năm nhưng suốt quá trình đó chủ đầu tư không làm gì, giống như “xí đất” rồi để đó thì chúng tôi buộc phải đưa ra kế hoạch để trả lại quyền lợi cho người dân.
Bởi vì theo quy định của Luật Đất đai, nếu chúng ta có thông báo thu hồi đất thì thửa đất đó bị giới hạn hoàn toàn các quyền sử dụng đất của người dân như cho, tặng, góp vốn… Do đó, khi các dự án bị đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất và hủy bỏ các quyết định thu hồi đất, sẽ đảm bảo các quyền lợi như nói trên cho các cá nhân, tổ chức sử dụng đất.
- Sở TN-MT phối hợp UBND các quận/huyện rà soát 2.822 dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 đến năm 2018. Kết quả cho thấy có 598 dự án đã thực hiện xong với tổng diện tích 1.063ha, đang thực hiện là 1.541 dự án, đưa 180 dự án ra khỏi kế hoạch sử dụng đất như đã nói ở trên.
Trong 180 dự án bị thu hồi, trước đó chúng tôi cũng làm việc rất nhiều lần với các quận/huyện, làm việc với chủ đầu tư để xem xét những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến dự án bị chậm trễ, trên cơ sở đó mới có quyết định cuối cùng. Ví dụ, hiện nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của nhiều dự án bị kéo dài.
Tuy nhiên khi xem xét thì phải xem xét cụ thể từng dự án, ví dụ trong 3 năm có dự án chỉ bồi thường được 10%, nhưng cũng có dự án bồi thường được 80%, vì vậy khi xem xét chúng ta phải ưu tiên giữ lại dự án đã bồi thường gần xong.
TPHCM đã có Nghị quyết 21 của HĐND TP thay thế Nghị quyết 16 ban hành trước đó, UBND TP chịu trách nhiệm kiểm tra các dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất.
Trước kia thực hiện Nghị quyết 16, chúng ta đã rà soát trên 1.200 dự án và đã thu hồi 547 dự án, khôi phục lại các quyền cho người dân và một trong những quyền cơ bản là được chuyển mục đích sử dụng đất.
Vì vậy, khi các dự án đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất thì ngành TN-MT và các sở/ngành liên quan cùng với UBND các quận/huyện xem xét điều chỉnh quy hoạch phù hợp trên tổng thể, đảm bảo các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất, trên cơ sở đó giải quyết quyền của người dân là cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng đất.
Ví dụ, trước kia là dự án trường học nhưng không khả thi nên dự án bị thu hồi, trên cơ sở đó sẽ xem xét cho người dân chuyển qua đất ở theo nhu cầu của họ. Các dự án mà TP đã xóa treo theo Nghị quyết 16 trước đây cũng đã điều chỉnh quy hoạch để thực hiện quyền lợi cho người dân.
* Tuy nhiên cũng có những dự án “treo” hàng chục năm như khu đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh), Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… vẫn không bị “xóa treo” trong đợt này, vì sao thưa ông?
- Như tôi đã nói ở trên, khi “xóa” hay để một dự án phải xem xét nhiều góc độ, tham khảo ý kiến từ quận/huyện, năng lực chủ đầu tư. Cụ thể như dự án Sing Việt, các sở/ngành liên quan đã làm việc với chủ đầu tư để họ chuyển toàn bộ kinh phí bồi thường về cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và UBND huyện Bình Chánh để bồi thường cho số hộ còn lại.
Tức là phải xem xét từ nhận định của địa phương, nguồn lực của chủ đầu tư và nhiều nội dung liên quan để giữ lại dự án. Hay dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, thực hiện một số thủ tục theo quy định để đưa dự án ra đấu thầu chọn nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất.
* Nhiều ý kiến cho rằng thủ tục đầu tư liên quan đến đất đai thời gian gần đây bị chậm lại do hàng loạt dự án bị thanh tra, kiểm tra?
- Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã chỉ ra những bất cập của quy định pháp luật. Trong quá trình xử lý hồ sơ, về nguyên tắc, nếu mình thấy những bất cập vênh với quy định pháp luật cần phải xử lý, nếu không thuộc thẩm quyền thì mình phải kiến nghị, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền sau đó mới giải quyết, chứ không giải quyết khi quy định pháp luật chưa rõ. Ví dụ, hiện nay có tình trạng đất là doanh nghiệp (DN) thuê của Nhà nước nhưng tài sản trên đất là của DN.
Theo quy định, khi đóng tiền sử dụng đất DN có thể lựa chọn theo 2 hình thức, một là đóng tiền hàng năm, hai là đóng tiền một lần. Nếu đóng tiền một lần thì khi cổ phần hóa DN có quyền mua bán, chuyển nhượng góp vốn đối với khu đất đó, nhưng nếu đóng tiền hàng năm thì không có các quyền đó.
Pháp luật chưa có quy định rõ về việc DN sử dụng đất mà là đất thuê, khi chuyển mục đích sử dụng thì phải thu hồi đấu giá. Ngoài ra, nếu tài sản trên đất là của DN thì không thể thu hồi đấu giá được, vì Luật Đất đai quy định nếu đất và tài sản trên đất đều của Nhà nước mới đấu giá…
Những việc cụ thể như vậy chúng ta chưa thực hiện được, nên phải xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền để có hướng dẫn rõ ràng. Đối với hơn 90 dự án đang thanh tra, kiểm tra thì hiện nay có đoàn chưa có kết luận, do đó dẫn đến tình trạng nhiều hồ sơ bị chậm trễ trong thời gian qua.