Ngày 21-7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết về tình hình người Việt tại Sri Lanka cũng như các biện pháp hỗ trợ công dân Việt Nam tại đây, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Trong bối cảnh tình hình Sri Lanka có những diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka đã chủ động theo dõi sát tình hình sở tại, yêu cầu cơ quan chức năng Sri Lanka đảm bảo an ninh, an toàn cho công dân Việt Nam tại địa bàn.
Theo Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Sri Lanka trước đây có khoảng 300 người nhưng hiện nhiều người đã về nước. Đời sống của công dân Việt Nam bị ảnh hưởng do thiếu gas, điện, nhiên liệu, giá cả sinh hoạt tăng cao.
Đại sứ quán đã thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho một số trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và động viên cộng đồng người Việt Nam tại Sri Lanka đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua giai đoạn này. Đồng thời, thông báo cho bà con đường dây nóng của Đại sứ quán để liên hệ trong trường hợp cần sự trợ giúp. Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka tiếp tục duy trì trao đổi với các đầu mối cộng đồng, lên kế hoạch và kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ bà con trong điều kiện cho phép.
Cũng tại buổi họp báo, về việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được nêu trong phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 23-6-2022.
“Một lần nữa chúng tôi kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết.
Trả lời về vụ việc hai công dân đang bị điều tra với cáo buộc “tấn công tình dục” tại Mallorca, Tây Ban Nha, bà Phạm Thu Hằng cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã liên hệ với cơ quan phụ trách cư trú người nước ngoài của nước này, đề nghị hỗ trợ thị thực lưu trú cho hai công dân. Sự việc đang tiếp tục được giới chức Tây Ban Nha điều tra.
Theo quy định của luật pháp Tây Ban Nha, việc xử lý một vụ án “tấn công tình dục” sẽ do tòa điều tra phụ trách khu vực đảm nhận. Quá trình điều tra có thể kéo dài, do thẩm phán và công tố viên phụ trách cần thu thập chứng cứ, lời khai để quyết định có đưa sự việc ra tòa xét xử hay không. Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha tiếp tục giữ liên lạc với giới chức sở tại và công dân, triển khai các biện pháp hỗ trợ công dân theo quy định pháp luật Việt Nam và nước sở tại.