Thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thông báo Kết luận số 159 của Bộ Chính trị về việc thảo luận, gửi lấy ý kiến nhân dân và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ngày 26-10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, văn kiện lần này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước. Nếu trước đây ta mới chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh", thì lần này, dự thảo đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Như vậy, đã bổ sung cả "hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, văn kiện bổ sung yếu tố dân chủ, gắn vận mệnh dân tộc, đất nước vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại. Xây dựng xã hội chủ nghĩa có bổ sung những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc.
Văn kiện vẫn nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Như vậy, phương châm của đại hội lần này là đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển.
Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức 4 hội nghị xin ý kiến các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam; các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các tổ chức thành viên; các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.
Mặt trận mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc để Mặt trận tiếp thu gửi Ban Dân vận Trung ương tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
“Ý kiến của các đồng chí chính là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Góp ý vào các dự thảo văn kiện, nhiều ý kiến tâm huyết, đề cập thẳng thắn nhiều vấn đề.
Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn cho rằng, về những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) có bước phát triển nhưng quá chậm. Đổi mới GD-ĐT, khoa học chưa trở thành động lực then chốt. Môi trường chưa được bảo vệ tốt, tài nguyên còn bị vi phạm nhiều, trong đó việc xây dựng quá nhiều thủy điện gần như xuyên suốt ở các tỉnh miền núi gây nhiều thảm họa trong mùa lũ. Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuy đã tiếp tục hoàn thiện nhưng việc vi phạm của các cơ quan pháp quyền vi phạm pháp luật còn nhiều, đến mức phải xử lý như ở TPHCM, Hà Nội Đà Nẵng... vừa qua.
Về kinh tế, Thiếu tướng Võ Sở cho rằng, việc xác định cơ cấu kinh tế chưa đúng, chưa thực hiện được xây dựng công nghiệp nặng, chưa có chương trình sản xuất tư liệu sản xuất.
“Chúng ta đang làm việc gia công phụ kiện cho nước ngoài và đang bị lệ thuộc vào họ. Các nước đầu tư vào Việt Nam sản xuất nhiều sản phẩm nhưng chủ yếu để xuất khẩu, không chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Việc cho thuê đất rừng, các cảng lớn với diện tích lớn, có nơi liên quan đến an ninh quốc phòng vẫn diễn ra”, Thiếu tướng Võ Sở nói.
Góp ý về phương hướng phát triển trong giai đoạn tới, Thiếu tướng Võ Sở cho rằng định hướng về phá triển kinh tế - xã hội 2021-2025 cần đưa công nghiệp chế tạo, chế biến lên cao hơn, trong đó quan tâm sản xuất công nghiệp nặng, có sản xuất tư liệu sản xuất, hạn chế việc để lệ thuộc kinh tế nước ngoài. Hết sức quan tâm đến việc nâng cao đời sống nhân dân ở nông thông, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.
Về môi trường, cần kiên quyết xử lý việc ngập mặn ở Nam bộ, triều cường ở TPHCM, cắt giảm việc xây dựng thủy điện, tăng điện gió, điện mặt trời.
Về xây dựng nhà nước pháp quyền, Thiếu tướng Võ Sở đề nghị cần tiếp tục cải cách hành chính, kiên quyết chống xu hướng dành quyền lực để thao túng hệ thống tổ chức quản lý của nhà nước; kiên quyết làm trong sạch hệ thống chính quyền các cấp. Tổ chức tốt việc nhân dân thực hiện chức năng giám sát chính quyền.
Về công tác xây dựng Đảng, cần thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban chấp hành Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các uỷ viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí Bí thư chi bộ. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình có biểu hiện xấu khỏi tổ chức Đảng. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Với công cuộc cách mạng 4.0, nhiều ý kiến tập trung góp ý vấn đề phát triển giáo dục, công nghệ, làm sao để tận dụng được các cơ hội của công nghệ số cho phát triển quốc gia. Tựu trung, các ý kiến đều nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong kỷ nguyên số và trong bối cảnh kinh tế số đang được đẩy mạnh tại Việt Nam.
Về vấn đề GD-ĐT, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, các văn kiện bảo cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước cụ thể thế nào và còn những vấn đề gì. Chẳng hạn, dự thảo nói “chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”. Tuy nhiên, theo GS Phạm Tất Dong, nhận định này “đúng mà không đúng”. Bởi hiện nay, cả xã hội đang xôn xao. Và chúng ta cần đi sâu vào bản chất xem “quần chúng mong muốn gì ở SGK”.
GS Phạm Tất Dong nhận định: “Trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng mà không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào”.
Theo GS Dong, nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra yêu cầu mới. Công dân số, có nghĩa là từ bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số.