Tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII; một số nội dung cơ bản về sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng; về tổng kết công tác nhân sự Đại hội XIII và xây dựng phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng”.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Có 31 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 25 sĩ quan cấp tướng; 55 cán bộ bị xử lý hình sự, trong đó có 16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 10 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó đã xử lý nhiều vụ án, vụ việc xảy ra từ nhiều năm trước, khởi tố cả nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh, điển hình như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Lào Cai, Phú Yên, Quảng Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Hà Giang, Nghệ An...
Công tác cán bộ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, kịp thời kiện toàn nhân sự thay thế các chức danh lãnh đạo cấp cao, khẳng định bản lĩnh chính trị, sự vững vàng, kiên định, nhất quán của Trung ương... Những kết quả đó góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết hơn, vững mạnh hơn, trong sạch hơn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường.
Trong phần trình bày của mình, đồng chí Lê Minh Hưng cũng nêu rõ một số nội dung cơ bản về sửa đổi quy chế bầu cử trong Đảng. Trong đó, về đề cử và thủ tục đề cử, bổ sung nội dung cụ thể về người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
Về phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng, Đại hội XIV của Đảng có ý nghĩa quan trọng mang tính bước ngoặt, là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới, "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc"; là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu rất cao trong công tác cán bộ; đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm hơn nữa, chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, dày công xây dựng và sáng suốt lựa chọn, bầu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, đặc biệt là Tổng Bí thư và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước thực sự tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, bản lĩnh, kinh nghiệm, năng lực lãnh đạo, uy tín, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hành động quyết liệt, giàu sức chiến đấu để lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.
Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương tán thành các quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc; mục tiêu, yêu cầu về phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng do Bộ Chính trị báo cáo.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về tiêu chuẩn ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung và cụ thể hóa một số nội dung cho phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tế.
Trong đó, nhấn mạnh kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, "lợi ích nhóm", có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"... ; vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm và quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ nguồn gốc; vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ/chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV cần có cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tính kế thừa, đổi mới, phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng; đồng thời, thực hiện có hiệu quả phương châm: coi trọng, đề cao chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; không nhất thiết lĩnh vực nào, ngành nào, cũng phải có nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Việc phân công, bố trí Ủy viên Trung ương Đảng ở các địa bàn, lĩnh vực công tác, nhất là những ngành, lĩnh vực quan trọng, cần phải gắn kết chặt chẽ với năng lực, sở trường, uy tín của cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị; phấn đấu tỷ lệ ủy viên Trung ương Đảng là cán bộ trẻ dưới 47 tuổi khoảng trên 10%; cán bộ nữ khoảng 10 - 12%; cán bộ người dân tộc thiểu số khoảng từ 10 - 12%; cơ cấu hợp lý một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu; lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước hoạt động hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV…