Vì sự phát triển bền vững
Phát biểu tại phiên khai mạc GEF 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại đang phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. Nếu chúng ta không có những giải pháp tổng thể, các quốc gia, dân tộc và mọi người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường”.
Thủ tướng cho rằng thách thức to lớn đó cũng chính là cơ hội để nhân loại phải nhìn nhận, đánh giá lại con đường và mô hình phát triển, từ đó tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động để môi trường sống tự nhiên trên toàn cầu mãi trường tồn, những giá trị văn hóa, lịch sử cao đẹp của bao thế hệ chúng ta sẽ được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau. Và hơn hết là để chúng ta cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong gần 3 thập kỷ kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ Môi trường toàn cầu đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết các thách thức to lớn về môi trường, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là sự hỗ trợ của Quỹ GEF dành cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, huy động nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững.
Trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs 2030), cam kết tại COP-21 về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng, tại Canada, ngày 9-6-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò quan trọng, sự hợp tác hiệu quả của Quỹ Môi trường toàn cầu và sẽ cùng Quỹ Môi trường toàn cầu thực hiện Dự án vùng, vì một đại dương không có rác thải nhựa.
“Liệu hành tinh của chúng ta có đủ sức chống chịu trước những rủi ro thiên tai? Tương lai của nhân loại có bền vững hay không? Các châu lục có còn tràn đầy sức sống hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào chính mỗi người chúng ta, tùy thuộc vào hành động của chúng ta ngay từ hôm nay vì một hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống. Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng quý vị vì sự phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Phải quan tâm đến môi trường
Bà Naoki Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu, rất ấn tượng tới kết quả của công cuộc đổi mới của Việt Nam từ năm 1986: “Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng chưa từng thấy, 5,5% trong gần 3 thập niên và trở thành một nước có thu nhập trung bình. Hơn nữa, Việt Nam đã làm được điều này với sự ổn định và chất lượng; tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 50% xuống chỉ còn 3% và người dân Việt Nam giờ đây có sức khỏe và một nền giáo dục tốt hơn so với nhiều nước ở ngưỡng trên mức thu nhập trung bình. Đó là một thành tựu to lớn của Việt Nam”.
Và trong quá trình phát triển này, Việt Nam cũng đã phải chịu đựng sự suy thoái đất và rừng, ô nhiễm không khí và nguồn nước; đồng thời nhận thức rất rõ về sự cần thiết phải quan tâm đến môi trường; về sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế cũng như khuyến khích năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, vì các đại dương xanh và khỏe mạnh.
Nhấn mạnh tới vai trò của Quỹ Môi trường toàn cầu trong suốt 25 năm qua đồng hành trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới, bà Naoki Ishii thừa nhận rằng thành công trong quá khứ này là không đủ và chúng ta phải thay đổi.
Đồng thời, sự chuyển đổi này cần phải dựa trên sự liên kết giữa nhiều cơ quan, đối tác liên quan - chính là sức mạnh của sự hợp tác của 183 quốc gia thành viên, 18 cơ quan lớn với mạng lưới đối tác mạnh để thực hiện 5 công ước bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các trường đại học và viện nghiên cứu…
Với 29 nhà tài trợ, GEF đã có sự bảo đảm về 4,1 tỷ USD trong 4 năm tới cho rất nhiều chương trình hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.
Ngày 27-6, bên lề kỳ họp GEF 6 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) Achim Steiner, Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) Li Yong, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao.
Cũng trong ngày 27-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp Tổng thống Cộng hòa Nauru Baron Waqa, Tổng thống Cộng hòa Quốc đảo Marshall Hilda Heine, Tổng thống Guyana David Granger.
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các nước ủng hộ lập trường, nỗ lực của ASEAN và Việt Nam về duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông, giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố của Việt Nam và sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, bao gồm các bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác từ 183 quốc gia thành viên; lãnh đạo các cơ quan Liên hiệp quốc, các ngân hàng phát triển thế giới và khu vực, các tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp để cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu.
Kỳ họp Đại hội đồng GEF 6 chính thức diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-6, tập trung vào việc thảo luận, hoàn thiện các văn kiện hợp tác GEF; Báo cáo về Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF)/Quỹ Ủy thác cho các nước kém phát triển (LCDF); Báo cáo chiến lược dài hạn của GEF; Báo cáo của Ban Tư vấn về khoa học và kỹ thuật; Đánh giá và thẩm định các chính sách trong việc vận hành quỹ; Báo cáo của các nước thành viên tham gia GEF. Đồng thời cũng sẽ thông qua kết quả các phiên họp hội nghị bàn tròn cấp cao về một số chủ đề trọng tâm như: Phát triển kinh tế xanh lam; Quản lý đất đai; Hóa chất, chất thải và thủy ngân; Thành phố bền vững; Động vật hoang dã... và thông qua văn kiện hợp tác GEF.