Chiều 8-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác thăm và làm việc với Bộ GD-ĐT.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vai trò của giáo dục được đặc biệt coi trọng và là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia để nâng cao dân trí, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ; bảo vệ thể chế chính trị của đất nước; bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; chọn khoa học và giáo dục làm khâu đột phá cho phát triển; chọn giáo dục làm tiền đề, làm xương sống của phát triển bền vững. Việc đổi mới toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các ngành, các nhà khoa học và của toàn xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, năm 2021, đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là năm mà thời gian học sinh đến trường ít chưa từng có trong lịch sử giáo dục. Nhưng trong bối cảnh đó, ngành giáo dục vẫn đạt được những kết quả nổi bật. Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành tựu trong năm học vừa qua của toàn ngành giáo dục, thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục cả nước.
Nhất trí với 12 nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong báo cáo của Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc lại 7 vấn đề tồn tại, hạn chế mà ngành giáo dục chỉ ra. Trong đó có 2 nhóm vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong thời gian qua là: đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT và đảm bảo chất lượng dạy, học trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. “Ngành giáo dục cần tìm hiểu cặn kẽ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, có các giải pháp trước mắt, lâu dài, cụ thể và căn cơ nhằm giải quyết những vấn đề hạn chế nêu trên” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh hơn nữa thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo GD-ĐT, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm những yêu cầu, những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, GD-ĐT phải đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; chú trọng mục tiêu trong giai đoạn tới là giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cùng với đó, đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài.
Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, "lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo”; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong GD-ĐT; hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; gắn kết chặt chẽ GD-ĐT với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, các nội dung mà Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý có nhiều việc đang là vấn đề trọng tâm mà ngành giáo dục nỗ lực, ra sức triển khai. Nhận định ngành giáo dục trong năm 2022 đứng trước thách thức to lớn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây chính là thời điểm toàn ngành triển khai những công việc rất quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, từ bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đến đại học; trong đó có triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Bộ trưởng, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông diễn ra với tốc độ rất nhanh, phạm vi tác động rộng lớn, sự thay đổi rất sâu sắc, kỳ vọng hết sức lớn lao và triển khai bằng một phương thức chưa có tiền lệ là xã hội hóa; lại trong tình hình ứng phó với dịch bệnh, cộng thêm điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, sự thiếu thốn về các điều kiện triển khai. Đây là thách thức lớn mà để vượt qua thì không thể chỉ một mình ngành giáo dục, nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, thấu hiểu, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, nhân dân để cùng vun đắp cho sự nghiệp giáo dục, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đặt ra.