Tại hội nghị, đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nhắc lại, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Theo đồng chí, bài viết này rất đúng lúc Đảng ta cần có tiếng nói của người lãnh đạo cao nhất của Đảng; đồng thời minh bạch, công khai một lần nữa trong mối quan hệ quốc tế đang diễn ra đa dạng, nhiều chiều, nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức.
Đồng chí Phạm Chánh Trực báo cáo tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN NAM
Đồng chí Phạm Chánh Trực nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời khơi dậy ý thức học tập, nghiên cứu lý luận thường xuyên trong cán bộ, đảng viên.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Phạm Chánh Trực đã trình bày một số luận điểm xây dựng xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thời kỳ quá độ và các bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó, đồng chí nêu rõ luận điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế nhà nước và kinh tế xã hội chủ nghĩa; thời kỳ quá độ ở Việt Nam và các bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; con người xã hội chủ nghĩa; văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội…
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VĂN MINH
Theo đồng chí Phạm Chánh Trực, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là tất yếu và khả thi theo đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho đến khi đất nước bước vào giai đoạn trực tiếp quá độ lên xã hội chủ nghĩa. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ đảng viên giác ngộ lý tưởng cộng sản, thật sự là người lãnh đạo và là đầy tớ trung thành của nhân dân. Đồng chí nhấn mạnh, chỉ có trong điều kiện đó, Đảng ta mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí cũng nêu lên một điều kiện cần và đủ để đất nước quá độ lên xã hội chủ nghĩa, đó là “nước phát triển, có thu nhập cao; giai cấp công nhân giác ngộ sứ mệnh lịch sử của mình và nhân dân nhất trí cao với đường lối cách mạng của Đảng ta”.
Đồng thời đất nước tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng trong điều kiện mới của thế giới và thực tiễn nước ta. Đó là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 về phát triển lực lượng sản xuất; cách mạng xanh về phương thức và lối sống tương lai; cách mạng văn hóa tư tưởng.
Hội nghị báo cáo viên chuyên đề năm 2022 về tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VĂN MINH
Cùng với những nội dung trình bày trên, đồng chí Phạm Chánh Trực nhấn mạnh, phải kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy dân chủ nội bộ trong Đảng và trong nhân dân; thực hiện nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý” xuyên suốt và sáng tạo.
Đồng thời xây dựng cơ sở vật chất xã hội chủ nghĩa điển hình làm nền tảng cho định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường hiện nay; xây dựng và phát triển phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa ngay trong giai đoạn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, hạn chế những yếu tố phi xã hội chủ nghĩa và chống chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay như phá hoại môi trường, cá độ, cờ bạc, mại dâm, ma túy, bạo lực gia đình và trẻ em…