Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ

* Chiều nay 23-1 theo chương trình Đại hội sẽ thảo luận công tác nhân sự
Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ

* Chiều nay 23-1 theo chương trình Đại hội sẽ thảo luận công tác nhân sự

(SGGPO). - Sáng nay 23-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận các văn kiện Đại hội XII và lấy ý kiến đại biểu về dự kiến những vấn đề cần biểu quyết trong các văn kiện Đại hội XII (nếu có). Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.

Mở đầu phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trình bày tham luận “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ”. Theo đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, giáo dục thanh niên là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, thực hiện tốt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Trong những năm qua, Đoàn đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, tập trung phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy tính tích cực, tự giác trong tự bồi dưỡng, tự giáo dục rèn luyện của thanh thiếu nhi.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trình bày tham luận tại Đại hội

Với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, toàn xã hội, sự nỗ lực của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, công tác giáo dục thế hệ trẻ đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh thẳng thắn thừa nhận, công tác giáo dục thanh thiếu nhi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp. “Những hạn chế trên có trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” - đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nói.

Thay mặt Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Cụ thể, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư cho công tác giáo dục thế hệ trẻ; quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, nơi vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, dành thời gian tham dự các hoạt động của thanh thiếu nhi; gặp gỡ, đối thoại với thế hệ trẻ. Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt tới tài năng trẻ; bồi dưỡng, đào tạo các tài năng trẻ trở thành chuyên gia trên các lĩnh vực, là đầu tàu dẫn dắt các phong trào và hoạt động thanh niên.

Tham luận với chủ đề “Đưa quá trình hội nhập quốc tế vào chiều sâu, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động rất phức tạp và khó lường tác động tới an ninh và phát triển của đất nước, công tác đối ngoại đã được triển khai chủ động, đồng bộ, huy động được sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc triển khai thắng lợi của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định công tác đối ngoại góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, bảo vệ an ninh tổ quốc.   

Trong 5 năm qua, lần đầu tiên chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước láng giềng, với hầu hết các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới. Cụ thể là đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược với 8 nước, quan hệ đối tác toàn diện thêm với 3 nước, nâng tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước và tổng số đối tác toàn diện lên 10 nước, trong đó Việt Nam đã có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán. Đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thành viên có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp xây dựng Cộng đồng. Năm năm qua, chúng ta đã vận động được thêm 38 trong tổng số 59 đối tác chính thức công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường…

Công tác đối ngoại cũng đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong 5 năm qua, chúng ta đã hoàn tất ký kết các hiệp định quản lý biên giới trên bộ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào tạo cơ sở xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và ổn định. Với Lào, hai bên đã hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia giữa hai nước. Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, chúng ta đã sử dụng triệt để các biện pháp chính trị - ngoại giao, thông qua song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, đồng thời vẫn duy trì đoàn kết trong ASEAN, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Chúng ta đã tranh thủ được công luận quốc tế lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại đa phương với phương châm chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng”, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Chúng ta là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm nước chủ nhà của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132; đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững. Việt Nam được các nước tin cậy, tín nhiệm, luôn được bầu với số phiếu cao nhất tại tất cả các cuộc bầu cử vào các cơ chế của Liên hợp quốc.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong 5 năm tới, tình hình thế giới thay đổi nhanh, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt. Quá trình toàn cầu hóa và những tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ tác động sâu rộng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới. Xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng đa tầng nấc gia tăng; xuất hiện các hình thức liên kết mới, các định chế tài chính – tiền tệ, các hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư song phương và đa phương thế hệ mới. Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, đồng thời cũng là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc.

Tranh chấp trên Biển Đông diễn biến gay gắt, phức tạp. “Trong bối cảnh đó, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh. Để đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, trên cơ sở quán triệt và thực hiện đúng các quan điểm về hội nhập quốc tế được nêu trong Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, đối ngoại cần tập trung làm tốt một số công việc. Thứ nhất, thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương. Thứ hai, trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, theo đó cần tăng cường công tác phổ biến các cam kết quốc tế ta đã ký kết, đã nội luật hóa và các quy định trong quá trình triển khai; làm cho mỗi tổ chức, mỗi người dân hiểu rõ thách thức, cơ hội mà họ có được từ hội nhập quốc tế để tham gia một cách chủ động và tích cực; biến quá trình hội nhập từ các hoạt động chủ yếu do các cơ quan nhà nước tiến hành thành quá trình tham  gia chủ động và tích cực của từng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Thứ tư, triển khai các định hướng lớn về hội nhập được nêu trong Văn kiện Đại hội, tập trung thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến 2020, tầm nhìn 2030 và các đề án, kế hoạch triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; khẩn trương hoàn thiện, nâng cao năng lực các thể chế hội nhập; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hội nhập; phấn đấu đến năm 2020, mức độ hội nhập trên các lĩnh vực của nước ta ở mức độ cao của các nước ASEAN.

 Theo chương trình, dự kiến chiều nay, 23-1, Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Sau đó, Đại hội sẽ thảo luận và biểu quyết (bằng hình thức giơ thẻ đảng) về số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Theo phương án đã được Ban Chấp hành Trung ương thông qua để trình đại hội, khóa XII dự kiến có 180 Ủy viên Trung ương chính thức và 20 Ủy viên Trung ương dự khuyết (tăng 5 ủy viên chính thức và giảm 5 ủy viên dự khuyết so với khóa XI).

 
Tân Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào chúc mừng Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam

 Sáng nay 23-1, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM thay mặt Đoàn thư ký Đại hội đã báo cáo Đại hội về cập nhật các điện mừng từ các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, trong thời gian diễn ra Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Thủ đô Vientiane của nước CHDCND Lào, Đại hội lần thứ X của Đảng Nhân dân cách mạng Lào – người bạn, người đồng chí, người anh em thân thiết của Đảng ta cũng đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp. Ngày 22-1, ngay sau Đại hội X của Đảng Nhân dân cách mạng Lào bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cử đặc phái viên sang chúc mừng thành công của Đại hội và chúc mừng đồng chí Bounnhang Volachith được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào khoá X. Nhân dịp này, đồng chí Tổng Bí thư Bounnhang Volachith và Phu nhân gửi đến Đại hội XII và qua Đại hội gửi tới toàn thể đảng viên và nhân dân Việt Nam lời cảm ơn chân thành và lời chúc mừng nồng nhiệt.

Cũng theo đồng chí Võ Văn Thưởng, tính đến hôm nay 23-1, đã có 200 thư điện của các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế trên khắp các châu lục gửi tới chúc mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục