Kiên quyết cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ

LTS: Ngày 3-11, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2-10-2009. Ngày 8-11, sau khi báo SGGP Online đăng thông tin giới thiệu Quy định 41-QĐ/TW, bạn đọc đã bày tỏ nhiều ý kiến đồng tình với Quy định này. 
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Theo quy định 41-QĐ/TW, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ; không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. 
Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: 

1. Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; 

2. Bị kỷ luật khiển trách 2 lần trở lên trong cùng 1 nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm;

3. Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; 

4. Có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; 

5. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; 

6. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm. 

Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: 

1. Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; 

2. Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; 

3. Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định;

4. Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong các trường hợp sau: 

1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng;

 2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức;

 3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Quy định 41 nêu rõ: khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc. Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.  Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

- Ông NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Chấm dứt việc “kỷ luật cho tồn tại”

Sau hơn 10 năm thực hiện Quy định 260-QĐ/TW (ngày 2-10-2009) của Bộ Chính trị, nay Trung ương đã có Quy định 41-QĐ/TW thay thế. Đây là một quy định rất đúng đắn, phù hợp, vì tình hình hiện nay đã khác trước rất nhiều.

Những năm qua, Đảng ta đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả, đã kỷ luật nhiều cán bộ vi phạm. Nhiều trường hợp bị kỷ luật và bị xử lý, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp kỷ luật rồi lại “cho tồn tại”. Hoặc, nhiều người năng lực kém nhưng không từ chức; nhiều người bị kỷ luật, uy tín không còn nhưng vẫn cố bám lấy chức vụ. Quy định 41 sẽ giải quyết được bức xúc bao lâu nay của những người đảng viên chân chính và nhân dân ta: đã không làm được việc, không còn uy tín thì phải từ chức. Nếu không từ chức thì tổ chức sẽ miễn nhiệm anh.

Tôi hy vọng quy định này nhanh chóng đi vào cuộc sống để chấm dứt tình trạng “kỷ luật cho tồn tại” mà dân bất bình bao lâu nay.

- Đại tá, Thạc sĩ HOÀNG XUÂN SONG, cán bộ nghỉ hưu, ngụ quận Gò Vấp:

Đề cao trách nhiệm cá nhân

Những tháng qua và lúc này dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, cũng là dịp để sát hạch, sàng lọc cán bộ các cấp. Không có cách sàng lọc nào chính xác bằng cách sàng lọc qua kết quả xử lý công việc thực tế. Nếu cán bộ không giỏi, không gần dân, sát dân, không đủ bản lĩnh chính trị thì không thể đưa ra các quyết sách đúng, kịp thời. Do vậy, người đứng đầu cần thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, vai trò lãnh đạo của mình cùng các lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp sớm đẩy lùi, khống chế dịch bệnh.

Quy định 41-QĐ/TW sẽ tạo tiền lệ tốt trong việc nêu gương, đề cao trách nhiệm cá nhân, dám chịu trách nhiệm, dám từ chức nếu không thực hiện được cam kết của mình. Điều này sẽ góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu và có tác dụng tích cực đến tình cảm, niềm tin của nhân dân.

- Ông CHU MẠNH TƯỜNG, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình Thọ, TP Thủ Đức:

Giảm thiểu được thiệt hại

Quy định 41/QĐ-TW được ban hành lúc này là rất cần thiết và đảm bảo cho công tác chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm đưa đất nước vững bước tiến lên, đạt những thành quả to lớn mà Nghị quyết XIII của Đảng đã đề ra. Vì vậy, các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở phải khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Quy định 41-QĐ/TW. Tôi cho rằng, việc nghiêm túc thực hiện sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên và nêu cao được vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên.

Thời gian qua, Đảng đã xử lý nhiều trường hợp, trong đó có nhiều cán bộ trung cấp, cao cấp vi phạm. Đây là một tổn thất lớn cho uy tín của Đảng, cũng là điều đáng báo động trong công tác cán bộ. Vì nếu miễn nhiệm, cho từ chức sớm những cá nhân này thì sẽ giảm thiểu, thậm chí ngăn chặn được thiệt hại có thể xảy ra. Quy định 41-QĐ/TW giúp sớm nhận diện để loại bỏ kịp thời những cá nhân có ý định vi phạm hoặc cố tình đi ngược lại quyền và lợi ích của nhân dân.

- TS HOÀNG QUỐC ĐẠT, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Đào tạo ứng dụng tâm lý kinh doanh và giáo dục học đường:

Góp phần chỉnh đốn Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Bác cũng căn dặn, là đảng viên thì điều quan trọng nhất là phải gương mẫu, tích cực tiên phong đi đầu. Nghĩa là khi cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên, thì công việc sẽ thật sự hiệu quả và tốt nhất. Để hoàn thành các nội dung này, chúng ta phải xác định rất rõ tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trước dân, trước Đảng, trước trách nhiệm được giao, để làm sao thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả và tốt nhất. 

Tôi cho rằng Quy định 41-QĐ/TW là rất kịp thời, được cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ. Quy định này cũng góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực, đem lại niềm tin cho nhân dân.

- Ông TRẦN QUANG TUẤN, cán bộ hưu trí phường Bến Nghé, quận 1:

Công cụ góp phần làm trong sạch bộ máy

 Quy định 41-QĐ/TW đưa ra rất cụ thể, bao quát các trường hợp đảng viên vi phạm và nêu chi tiết về cách thức xử lý phù hợp với mức độ của từng vi phạm như từ chức, miễn nhiệm…

Thực tiễn hiện nay, cấp ủy tổ chức đảng, cơ quan đơn vị các cấp, nhất là ở cấp cơ sở không ít những trường hợp vi phạm của cán bộ, đảng viên quản lý diễn ra kéo dài mà các đơn vị chức trách chưa có cơ sở để xem xét, xử lý. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức chiến đấu của cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng tại đây. Cho nên, Quy định 41-QĐ/TW và Quy định 37-QĐ/TW là sự bổ sung cho nhau, rất cần thiết để các cơ quan chức năng của Đảng xem xét làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tin cùng chuyên mục