Rút giấy phép nếu “găm hàng”
Ngày 11-2, ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long, cho biết, đoàn thanh tra của Bộ Công thương vừa kiểm tra trực tiếp 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra phát hiện 2 cửa hàng treo biển hết xăng, thực tế kiểm tra bồn chứa không còn xăng. “Sở đã phân công một đoàn cùng với Cục Quản lý thị trường (QLTT) liên tục kiểm tra các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện cửa hàng kinh doanh xăng dầu nào còn hàng mà không bán thì rút giấy phép kinh doanh”, ông Phạm Tứ Phương nói.
Cùng ngày, ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công thương Long An, cho biết, sở đã phối hợp với cơ quan QLTT và đơn vị chức năng kiểm tra đột xuất nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa phương. Hiện tất cả cửa hàng buôn bán xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều mở cửa buôn bán. Đồng thời, đến thời điểm này, ngành chức năng chưa phát hiện đơn vị có hàng nhưng không bán, găm hàng, tăng giá.
Thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn những ngày qua, Sở Công thương An Giang cho biết, tình hình khan hiếm xăng dầu do thiếu nguồn cung là có thật. Một số cửa hàng xăng dầu của hệ thống đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn An Giang đóng cửa hoặc chỉ bán cầm chừng, chiếu lệ do không đủ nguồn hàng.
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ vừa ký Quyết định số 25/QĐ-SCT về việc kiểm tra chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Theo đó, đối tượng kiểm tra là các thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn (cửa hàng bán lẻ). Quyết định có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31-12. Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện có vi phạm pháp luật, đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính, có quyền niêm phong, thu giữ tài liệu, tang vật vi phạm và đình chỉ các hoạt động trái pháp luật, xử phạt theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. |
Điều chỉnh tăng giá xăng dầu
Chiều 11-2, liên bộ Công thương - Tài chính đã quyết định tăng giá các loại xăng dầu bán lẻ trên thị trường nội địa với mức tăng gần 1.000 đồng/lít.
Theo liên bộ Công thương - Tài chính, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, kỳ điều hành trước Tết Nguyên đán, liên bộ đã thực hiện chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-400 đồng/lít. Kỳ điều hành lần này, trước diễn biến tăng giá liên tục của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, liên bộ quyết định thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý (giảm mức trích lập với mặt hàng xăng RON 95 và duy trì mức chi với các mặt hàng xăng E5 RON 92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức 100-400 đồng/lít) để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng vẫn góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022. Từ đó, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học, nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; hỗ trợ duy trì nguồn cung xăng dầu từ các nguồn (kể cả nhập khẩu) cho thị trường và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ bình ổn giá ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.
Bình Định: Xác minh thông tin nhân viên cửa hàng xăng dầu đuổi khách
|