Việc dừng mua hàng DN Việt chỉ là tạm thời?
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin, sáng 4-7, Bộ Công thương đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Group Việt Nam (sở hữu chuỗi siêu thị BigC). Các cán bộ chủ chốt của Central Group và đại sứ Thái Lan tại Việt Nam cũng tham dự cuộc họp này.
Thay mặt Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao Tập đoàn Central Group Việt Nam (ngoài sở hữu BigC, họ còn sở hữu hệ thống điện máy Nguyễn Kim, Lan Chi Mart) tại Việt Nam, tạo việc làm cho khoảng 17.000 lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp liên quan đến hệ thống vận hành của họ.
Trong đó, riêng BigC đang sử dụng khoảng 9.000 lao động Việt Nam. Theo ông Đỗ Thắng Hải, hàng năm, Central Group Việt Nam đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng (năm 2018), riêng BigC là 500 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, Central Group cho biết đang có “chiến lược mới” cho ngành hàng may mặc tại Việt Nam. “Họ cho biết đang xác lập lại hệ thống của họ, cần có thời gian nhất định vì thế nên tạm dừng mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam. Và việc tạm dừng mua hàng này, theo họ báo cáo là sẽ diễn ra trong vòng 15 ngày”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
“Có thể sẽ mất thêm một số ngày nữa nhưng trước mắt họ nói là 15 ngày” - ông Hải nhắc lại và cho biết thêm, đến nay Tập đoàn Central Group đã gửi thư cho các nhà cung ứng, đối tác ở Việt Nam, nói rằng việc tạm dừng mua hàng này chỉ là tạm thời. Tất cả các đơn hàng đã ký trước đó vẫn được tiếp tục thực hiện.
Theo khảo sát, hiện nay đang có khoảng 4.000 nhà cung cấp hàng hóa bán lẻ cho chuỗi hệ thống BigC, trong đó có 200 doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng dệt may. Mặc dù Central Group đã đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước, thiết lập hệ thống bán lẻ, tiêu thụ hàng nông sản, đưa hàng hóa từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng..., nhưng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công thương yêu cầu việc giải quyết giữa BigC với 200 nhà cung cấp mặt hàng may mặc phải trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa BigC với các đối tác Việt Nam và phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
“Quan điểm của chúng tôi là một mặt hoan nghênh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể ở đây là BigC, nhưng một mặt kiên quyết bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam” - Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Central Group, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục giải quyết việc này để bảo đảm quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Tại buổi làm việc vào sáng 4-7, Central Group cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã ký biên bản hợp tác, để nếu sau này xảy ra các vấn đề tương tự thì hiệp hội sẽ đứng ra giải quyết. “Còn cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công thương chỉ đứng ra hỗ trợ với vai trò tạo ra môi trường pháp lý kinh doanh minh bạch, lành mạnh” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Doanh nghiệp vẫn lo lắng
Chiều tối 4-7, trước thông tin Tập đoàn Central Group Việt Nam (sở hữu hệ thống siêu thị BigC Việt Nam) trao đổi với đại diện Bộ Công thương về việc sẽ tái ký đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp, một số doanh nghiệp (DN) tại TPHCM phản ánh rằng họ hồi hộp chờ đợi. Bởi trên thực tế, cả DN mới được tái ký hợp đồng hoặc chưa ký hợp đồng đều nhận thông báo đột ngột vào tối 2-7 về việc ngưng đặt hàng.
Cũng vào chiều tối 4-7, một số DN có nhận thông báo từ BigC về việc mở lại hệ thống đơn đặt hàng như bình thường bắt đầu từ 5-7, đồng thời gửi lời xin lỗi tới DN. Tuy vậy, theo đại diện Công ty K.G - DN đã hợp tác với BigC hơn 10 năm qua, thực tế làm việc với BigC không hề dễ, đặc biệt chiết khấu cho BigC tăng dần theo từng năm.
“Mặc dù doanh thu của chúng tôi lên tới vài chục tỷ đồng, năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng việc tăng chiết khấu từ 4%-5%/năm, thì rất căng”, đại diện Công ty K.G nói.
Theo ghi nhanh của PV, có nhiều DN cung ứng cho BigC tới 66%-80% tổng sản lượng của đơn vị, nên việc lời lỗ, công ăn việc làm của người lao động... đều phụ thuộc hoàn toàn vào việc ký và nhận đặt hàng lần này của BigC. Ông D, đại diện một công ty may mặc chuyên cung cấp hàng cho BigC gần 20 năm, đánh giá, các thông báo tái ký nhiều khả năng mang tính trấn an, làm dịu tình hình mà thôi. Do vậy, chỉ có thể chờ đợi…
Trong một diễn biến khác, một số DN may mặc thông tin, đại diện các tập đoàn, siêu thị lớn của Việt Nam như Vingroup, Co.opMart cũng có trao đổi riêng với DN về việc sẵn sàng hợp tác, lấy hàng để “phủ sóng” hàng Việt đến tay người tiêu dùng.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, cho rằng, các DN Việt Nam cần phải tự bảo vệ mình bằng các điều khoản trong hợp đồng đã ký và bằng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Thương mại năm 2005: “Bên mua (bên nhận cung ứng) có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng”. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc quan trọng trong Luật Thương mại: “Nhà bán lẻ không được từ chối nhập hàng hóa của các nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng”.
Các điều khoản thông thường của Hợp đồng thương mại đều quy định về việc giao nhận hàng hóa, và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên nhận hàng hóa khi từ chối nhận hàng hóa không có lý do. Như vậy, các DN Việt khi ký kết hợp đồng với các hệ thống siêu thị phải quan tâm đến các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt là cam kết về việc giao nhận hàng hóa.
Một vấn đề khác là pháp luật về hợp đồng đề cao và tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Chính vì vậy, việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng phải được trao đổi và thống nhất của cả hai bên. Việc BigC đơn phương phát hành văn bản tạm dừng nhập mặt hàng dệt may từ DN Việt Nam được xem là hành vi áp đặt và vi phạm hợp đồng.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, nếu để BigC thực hiện điều này, rất dễ tạo ra tiền lệ xấu về sau, khiến hàng loạt sản phẩm Việt Nam khác trong các chuỗi siêu thị do nước ngoài sở hữu từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập. Nguy hiểm hơn nữa, với động thái của BigC và sau đây rất có thể là của các siêu thị ngoại, hàng Việt Nam nói chung và các sản phẩm may mặc nói riêng sẽ dần biến mất trong siêu thị ngoại ngay tại quốc gia của mình, đẩy các DN Việt vào thế đối đầu, bất cân xứng. Do đó, Bộ Công thương và Hiệp hội bán lẻ cần sớm vào cuộc để làm rõ nội dung vụ việc, làm rõ các sai phạm nếu có để trấn an dư luận cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN Việt Nam.
Việt Nam đang tiến tới một nền kinh tế chia sẻ, một nền thương mại công bằng ở thị trường Việt Nam. Do đó, cần sớm có những quy định, quy chuẩn cụ thể, tham gia đàm phán các công ước quốc tế nhằm bảo vệ hàng Việt, bảo vệ những nhà sản xuất Việt Nam đang có ý chí vươn lên làm chủ thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam.