1. Chị Minh Thư chia sẻ: “Lúc Huy 4 tuổi, bé từng bị rối loạn vận động cơ mắt sau một thời gian dài mải mê với iPad. Thời điểm đó, cả tôi và ông xã đều bận bịu công việc để xoay xở tiền bạc trả nợ vay ngân hàng mua nhà. Em trai tôi cho cái iPad cũ để mấy đứa nhỏ có cái chơi cho vui, vậy là tôi giao luôn cái iPad cho hai đứa nhỏ. Chị của Huy thì hay nhường em, nên bé gần như chiếm một mình cái máy đó”.
Đến một ngày, chị Thư thấy mắt Huy cứ nháy liên tục không ngừng. Chị hỏi con có bị đau hay ngứa mắt không, có mỏi mắt không, Huy đều lắc đầu. Hỏi bạn bè có con nhỏ cũng không tìm thấy thông tin gì cụ thể hay trường hợp nào gần giống vậy. Chị đưa bé đến bác sĩ khám mắt, bác sĩ khuyên nên hạn chế cho bé xem tivi, iPad… để mắt nghỉ ngơi nhiều hơn.
Về nhà, chị Thư dành một buổi ngồi nói chuyện với Huy, sau những phân tích đúng - sai, nên và không nên, hai mẹ con cùng thống nhất không dùng iPad để chơi game và xem phim trong một thời gian để xem tiến triển bệnh tình như thế nào. Sau hơn 2 tháng, bệnh của bé Huy dần khỏi.
Các bậc phụ huynh nên cho trẻ đọc sách thay vì chơi với các thiết bị điện tử. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
2. Lên 8 tuổi, hai mắt bé Huy cứ đảo lên đảo xuống. Hành động không chủ đích này diễn ra gần như là quán tính. Khi mắt đảo quá nhiều, Huy sẽ dụi mắt. Dụi mắt vừa xong, mắt bé lại đảo lên xuống liên tục. Chưa kể, bé còn hay hắng giọng, lầm bầm nói một mình không rõ nói gì. Khi chị Thư hỏi lại, bé lại lắc đầu: “Con không nói gì hết. Con không có sao hết”.
Giai đoạn này, trên các trang mạng đã xuất hiện nhiều bài viết về tình trạng trẻ bị TIC. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Nếu xảy ra ở các cơ vận động thì được gọi là TIC vận động; xảy ra ở các cơ hô hấp thì gọi là TIC âm thanh. Tần suất, cường độ và thời gian giật các cơ ở từng trẻ khác nhau nhưng chung quy có 2 loại TIC chính, đi kèm với những biểu hiện không giống nhau, có thể đó là thở dài, ho, lẩm bẩm, tặc lưỡi, hắng giọng, la hét… hay nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm. Nếu bị nặng, các bé có thể nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại không phù hợp với bối cảnh, có khi là hành động tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn…
Bác sĩ Quang Vinh, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, giải thích: Điện thoại thông minh thường có màn hình nhỏ, khi chơi game hay xem hoạt hình, mắt của trẻ phải điều tiết quá độ, nhãn cầu đong đưa liên tục, cơ mắt, cơ mặt, cổ, vai hoạt động không ngừng nghỉ dẫn tới cơ bị mỏi mệt. Các tần số của hình ảnh hiển thị trên màn ảnh cộng hưởng với hoạt động của não có thể là nguyên nhân khởi phát hoặc tái phát hội chứng TIC ở trẻ…
Bác sĩ khuyến cáo các gia đình có con nhỏ không nên tạo môi trường giải trí cho trẻ em bằng tivi, điện thoại, mà phải dành nhiều thời gian cho trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất, sinh hoạt vui chơi lành mạnh, rèn luyện thêm năng khiếu, mở rộng giao tiếp xã hội, tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên… Tiếp nhận những thông tin hữu ích về bệnh TIC, chị Thư càng hiểu hơn nguồn gốc căn bệnh thời công nghệ mà con mình đang mắc phải.
3. Áp lực kinh tế luôn đè nặng người làm cha làm mẹ, song khát khao và mong mỏi con cái luôn được khỏe mạnh, phát triển bình thường, trưởng thành càng là ước nguyện to lớn mà bậc phụ huynh nào cũng mong muốn đạt được.
Vậy nên, hành trình chữa TIC cùng con của chị Thư một lần nữa lại khởi động. Chị chia sẻ: “Hai mẹ con tôi lại có mấy buổi ngồi bên nhau nói chuyện như những người bạn về bệnh TIC của con. Sau những tâm tình, hai mẹ con đã thống nhất tạm thời sẽ ngừng sử dụng điện thoại, hạn chế xem tivi tối đa. Hè này, chúng tôi đã lên lịch tham gia nhiều hoạt động, sinh hoạt về thể chất, phát huy năng khiếu cho bé tại nhà thiếu nhi quận. Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn bên con để chữa TIC. Dẫu biết để chữa dứt bệnh cho con không thể trong một sớm một chiều, nhiều gian nan vẫn còn ở phía trước, nhưng tôi và cả nhà sẽ cùng nỗ lực, cố gắng để luôn đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này”.