Kiến nghị xây dựng mô hình làng ở nông thôn theo mô hình TOD tại huyện Cần Giờ

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia kiến nghị TPHCM nghiên cứu ngay mô hình các làng ở nông thôn theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) ngay tại huyện Cần Giờ với triết lý giao thông công cộng, giao thông xanh.

Ngày 16-8, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phối hợp với UBND huyện Cần Giờ tổ chức hội thảo “Cần Giờ xanh - hướng tới đô thị sinh thái ven biển”.

Hội thảo đã nhận được 12 bài tham luận có chất lượng từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn tư vấn quy hoạch. Cùng với đó, các đại biểu đã thảo luận tập trung vào 3 vấn đề lớn để góp phần định hướng, xây dựng huyện Cần Giờ xanh, đô thị sinh thái. Trong đó có định hướng phát triển huyện trong tổng thể định hướng phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cần mô hình quản lý phát triển bền vững

Trao đổi tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Vinh, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chỉ ra các điểm nghẽn mà huyện đang gặp, đó là kết nối giao thông đường bộ hạn chế; chậm triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến giảm dần cơ hội và giảm tính cạnh tranh đó là các dự án cầu Cần Giờ, dự án khu dân cư lấn biển, dự án cảng trung chuyển quốc tế...

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đến dự và tham quan các gian hàng trưng bày tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đến dự và tham quan các gian hàng trưng bày tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Nguyễn Anh Tuấn, Sở QH-KT TPHCM cho rằng, không gian vùng Cần Giờ trước yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững về hướng biển đặt ra yêu cầu về công cụ và mô hình quản lý phát triển bền vững.

Mặt khác, vùng Cần Giờ có mối quan hệ với vùng huyện, các tỉnh lân cận, do đó, cần sự chủ động kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng trong phối hợp quản lý năng động hơn và hiệu quả hơn. Mô hình đổi mới quản lý TPHCM có thể tham khảo vận dụng mô hình này nhằm tạo bước đột phá trong phát triển vùng Cần Giờ nói riêng, vùng TPHCM nói chung.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Vinh góp ý. Ảnh: VIỆT DŨNG

PGS-TS Nguyễn Ngọc Vinh góp ý. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, xây dựng huyện Cần Giờ xanh từ công nghiệp xanh, dịch vụ xanh, nông nghiệp xanh, đô thị xanh, giao thông xanh… Tuy nhiên, để xây dựng tất cả xanh hết là không đơn giản, là bài toán rất lớn, cần phải suy nghĩ để cụ thể hóa được các ý tưởng, mục tiêu xây dựng huyện Cần Giờ xanh, phát triển bền vững.

Tận dụng lợi thế phát triển

Ông Bùi Đào Thái Trường, Công ty TNHH Roland Berger Việt Nam chỉ ra, huyện Cần Giờ cần tận dụng 4 lợi thế vốn có (huyện ven biển duy nhất của TPHCM, tài nguyên thiên nhiên nguyên sơ và các khu du lịch sinh thái, giàu văn hóa và lịch sử, khí hậu lý tưởng với môi trường trong lành) như những giá trị cốt lõi cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại diện doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trên cơ sở này, ông đề xuất huyện Cần Giờ cần phát triển trung tâm kinh tế biển hiện đại, đổi mới của Việt Nam và khu vực; tạo điểm đến du lịch ven biển độc đáo và sôi động; hướng đến một huyện đảo dân cư xanh gần ngay TPHCM và trở thành thành phố phát triển bền vững kiểu mẫu.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Vinh cho rằng, huyện Cần Giờ chọn du lịch làm kinh tế mũi nhọn, phát triển các khu đô thị lấn biển kết hợp với du lịch, dịch vụ và thương mại. Cùng với đó, huyện quan tâm khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời; thúc đẩy hoàn thành dự án cảng trung chuyển và kết nối giao thông phá vỡ thế ốc đảo của huyện.

TS Trần Du Lịch trao đổi nhiều nội dung tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Trần Du Lịch trao đổi nhiều nội dung tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về phát triển kinh tế biển, TS Trần Du Lịch cho rằng, huyện Cần Giờ có thế mạnh ở 3 trụ cột, đó là: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải, trong đó điểm nhấn là cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ; năng lượng tái tạo.

Để đưa các ý tưởng vào cuộc sống, TS Trần Du Lịch kiến nghị, những ý tưởng trên phải được tích hợp vào quy hoạch chung của TPHCM. Cùng với đó là khi triển khai xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải chú trọng đến nguồn nhân lực, nhà ở, hậu cần cảng biển để đáp ứng cho hoạt động của cảng biển.

Ông cho rằng giữa hai cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không tách biệt nhau, mà hình thành tổng thể kết nối giao thông với nhau để phát triển vì lợi ích quốc gia.

Trao đổi thêm, TS Lê Xuân Sinh, Viện Tài nguyên Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cần thiết và tạo thế cạnh tranh với cảng biển của Singapore. Dù vậy, ông đề nghị huyện cần tính đến chuyện thu hút lao động, dân cư để phát triển.

Phát triển giao thông công cộng, giao thông xanh

PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, huyện Cần Giờ nên hướng đến mục tiêu phát triển giao thông xanh. Trong đó, TPHCM tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt, phương tiện phát thải thấp trên các trục đường chính đô thị, tuyến đường kết nối Cần Giờ và trung tâm TPHCM.

Đại biểu trao đổi tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu trao đổi tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngoài ra, ông đề xuất hạn chế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trên địa bàn huyện theo khu vực, theo giờ. Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện phát thải thấp, ông đề xuất cần hỗ trợ lãi vay ưu đãi cho người dân khi chuyển đổi sang xe điện...

Cùng quan điểm này, TS Trần Du Lịch cũng kiến nghị TPHCM nghiên cứu ngay mô hình các làng ở nông thôn theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) ngay tại huyện Cần Giờ với triết lý giao thông công cộng, giao thông xanh.

Huyện Cần Giờ cũng làm mẫu việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông giảm phát thải và xây dựng huyện không còn rác thải nhựa, không còn bãi chôn lấp rác thải mà phải có nhà máy xử lý rác phát điện, xử lý rác bằng công nghệ vi sinh vật.

Phát triển nhưng không phá rừng, hủy hoại hệ sinh thái

TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập mặn cho rằng, trong quy hoạch đô thị sinh thái Cần Giờ nên có hợp phần làng trong phố để thể hiện đặc trưng kiến trúc mang bản sắc văn hóa của nông thôn vùng ven biển.

Cùng với đó, có hợp phần đô thị khoa học rừng ngập mặn có tầm cỡ thế giới, là nơi nghiên cứu, tham quan, du lịch; đồng thời có hợp phần công viên sinh thái rừng ngập mặn là nơi vui chơi, giải trí của du khách và người dân... Tất cả những việc này yêu cầu phải hạn chế phá rừng ngập mặn, không hủy hoại hệ sinh thái đất ngập nước.

Tin cùng chuyên mục