Ngày 29-6, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ: Vấn đề và giải pháp phát triển”, với sự tham dự của các đồng chí: PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM; Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; cùng đông đảo học giả, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Trọng tâm chính của hội thảo là tập trung vào các định hướng quan trọng như chính sách phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nhận diện thực trạng và những vấn đề tồn tại; kinh nghiệm huy động nguồn lực từ các nước; đề xuất các giải pháp phát triển… Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên trên các tuyến đường nối từ TPHCM về các tỉnh ĐBSCL là yếu tố kìm hãm sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của toàn vùng. Hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 9% trong khi theo quy hoạch phải đạt 20%-26% đối với đô thị trung tâm, 18%-23% đối với đô thị vệ tinh, 16%-20% cho các thị trấn.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá cao các tham luận của chuyên gia, nhà khoa học qua các báo cáo về “Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, nhận diện thực trạng và những vấn đề tồn tại” và “Đề xuất giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng và bài học kinh nghiệm huy động nguồn lực từ các nước trong khu vực châu Á và quốc tế”. TPHCM kiến nghị Trung ương xây dựng ban hành Luật Đầu tư đối tác công tư; bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư công, làm cơ sở thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công và khuyến khích kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết và hợp tác phát triển kinh tế vùng giữa các bộ, ngành và địa phương. Ưu tiên huy động đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các hạ tầng giao thông quan trọng có vai trò động lực, liên kết vùng. Nhất là gỡ các nút thắt về đường bộ và đường thủy nội địa; nghiên cứu các giải pháp kết hợp hiệu quả vốn Trung ương và địa phương, vốn nhà nước và xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Được biết, theo quy hoạch, kết nối giữa TPHCM và Đông Nam bộ có 5 trục đường bộ, gồm quốc lộ, cao tốc, song hành và 3 tuyến vành đai. Vùng Tây Nam bộ theo quy hoạch có 5 trục đường bộ chính là N1, N2, cao tốc TPHCM - Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau.