Kiến nghị xã hội hóa việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để tháo gỡ khó khăn Chương trình giáo dục phổ thông mới

Ngày 30-10, Sở GD-ĐT TPHCM đã thông tin về tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (còn gọi là Chương trình giáo dục phổ thông mới) và sách giáo khoa (SGK) lớp 1 trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, TPHCM đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó triển khai đầy đủ các kế hoạch, văn bản hướng dẫn đến từng quận, huyện và chỉ đạo tổ chức hội nghị ở cấp quận, huyện nhằm triển khai đến từng cơ sở giáo dục phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT TPHCM đã ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông thông qua hệ thống Cổng Thông tin điện tử của Sở GD-ĐT TPHCM kết nối với các Phòng GD-ĐT quận-huyện và đến từng cơ sở giáo dục thông qua các hộp thư điện tử và các tiện ích mạng xã hội (viber, zalo, messenger…) để nhanh chóng, kịp thời thông tin các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành, nắm bắt thông tin và phản hồi, hướng dẫn các đơn vị xử lý những trường hợp phát sinh, giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai chương trình và sách SGK mới.

Đặc biệt, vào đầu năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức kiểm tra trực tiếp tại 4 quận, huyện về công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, làm cơ sở rút kinh nghiệm và chỉ đạo chung trong toàn ngành.

Cụ thể, năm học 2020 - 2021, TPHCM có 560 trường tiểu học (tất cả các loại hình), trong đó có 78 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 13,9%), tỷ lệ trung bình trường tiểu học/phường-xã là gần 2 trường. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 74,6%, tỷ lệ phòng học trung bình là 0,94 phòng/lớp, do đó một số đơn vị chưa đáp ứng đủ số phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TPHCM, Sở GD-ĐT đã chủ trì tổ chức rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông tại từng quận, huyện, điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, SGK.

Về đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học hiện nay tương đối đủ về số lượng, thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu các công việc được phân công.
Cụ thể, số lượng giáo viên toàn thành phố là 22.114 giáo viên (trong đó giáo viên tiểu học dạy nhiều môn là 16. 862). Tỷ lệ giáo viên tiểu học dạy nhiều môn/lớp là 1,0 hiện chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học, thiếu giáo viên bộ môn ở một số trường tiểu học, nhất là giáo viên Anh văn và Tin học (Tin học - Công nghệ).

Riêng đối với lớp 1, có 3.734 giáo viên trên 3.626 lớp, đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 – 2021. Số giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đạt 83%. 

Kiến nghị xã hội hóa việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để tháo gỡ khó khăn Chương trình giáo dục phổ thông mới ảnh 1 Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình) trong giờ học môn tiếng Việt theo bộ sách "Cánh diều" của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm

Căn cứ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, TPHCM tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút đối với lớp 1. Những nơi khó khăn về phòng học sẽ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, hoặc trên 5 buổi/tuần, mỗi buổi 5 tiết học, mỗi tiết 35 phút

Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học với yêu cầu thực hiện dạy học 2 buổi/ngày là thách thức lớn đối với một số quận, huyện có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu do các khó khăn về quỹ đất, kinh phí và dân số cơ học tăng cao.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, thiếu giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục... Kinh phí tổ chức tập trung bồi dưỡng đại trà cho giáo viên toàn thành phố về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần có đề án thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị cơ sở khi thực hiện Thông tư 36/2018/TT-BTC.

Để tháo gỡ các khó khăn này cần sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành liên quan và chính quyền các quận, huyện. Hiện nay, Sở GD-ĐT TP đã tham mưu UBND TPHCM ban hành kế hoạch và chỉ đạo chung, hiện đang tiếp tục phối hợp với các Sở ngành liên quan để triển khai các văn bản chỉ đạo tiếp theo. 

Sở GD-ĐT TPHCM nhận định, năm học 2020 – 2021 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và SGK mới, bắt đầu với khối lớp một, trong điều kiện nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó, Chương trình xây dựng trên cơ sở học sinh được học 2 buổi/ngày và sĩ số hạn chế, tuy nhiên điều này chưa thể thực hiện đồng loạt tại TPHCM.  

Trước những phản ánh của dư luận về áp lực khi thực hiện chương trình mới, Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành văn bản chỉ đạo giáo viên lớp 1 chủ động điều chỉnh tiến độ thực hiện chương trình, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, bám sát thực tiễn học sinh, không nóng vội, không gây áp lực cho các em trong năm đầu cấp.

Bên cạnh ban hành văn bản, Sở này đã chỉ đạo theo mạng lưới và trực tiếp tổ chức giám sát việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát, góp ý, tổ chức tiếp nhận những phản ánh (cả về chương trình và sách giáo khoa) để tổng hợp, báo cáo, kiến nghị đối với Bộ GD-ĐT.

Qua ghi nhận các ý kiến đóng góp, tình hình triển khai chương trình mới gặp khó khăn trong khoảng 2 tuần đầu tiên. Nguyên nhân là do là năm học bắt đầu trễ hơn các năm trước 2-3 tuần nên học sinh có khoảng thời gian tiếp cận, làm quen với môi trường mới ít hơn những năm trước, một số giáo viên lúng túng khi triển khai chương trình và SGK mới với nhiều yêu cầu mới cùng một số điểm chưa phù hợp.

Trước thực tế đó, cơ quan quản lý đã giao quyền tự chủ cho giáo viên chủ động thực hiện chương trình, chủ động sử dụng các ngữ liệu thay thế các ngữ liệu không phù hợp trong SGK. Theo chương trình mới, SGK chỉ là phương tiện hỗ trợ cho việc dạy – học, các trường được yêu cầu trang bị tất cả các bộ sách trong thư viện để giáo viên tham khảo, đồng thời với các nguồn tư liệu sẵn có, kịp thời chủ động điều chỉnh những ngữ liệu chưa phù hợp.

Năm học 2020-2021, SGK mới được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không còn sự bao cấp, trợ giá của ngân sách nên về cơ bản, giá sách cao hơn nhiều lần so với trước đây. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục không thực hiện đúng theo quy định, giới thiệu các tài liệu bổ trợ, các xuất bản phẩm tham khảo có tính áp đặt, gây hiểu lầm, tạo áp lực cho phụ huynh vào dịp đầu năm học.
TPHCM đã có văn bản nhắc nhở các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục theo Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT (ngày 7-7-2014) của Bộ GD-ĐT.

Theo đó, hàng năm, tổ/nhóm chuyên môn của trường, căn cứ thực tế, kế hoạch giáo dục và đề xuất của giáo viên để lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo liên quan. Mỗi trường thành lập hội đồng xem xét, lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo trên cơ sở đề xuất của tổ/nhóm. Sau đó, thủ trưởng cơ sở giáo dục quyết định phê duyệt danh mục xuất bản phẩm tham khảo để có kế hoạch mua sắm, bổ sung vào thư viện nhà trường phục vụ việc nghiên cứu của giáo viên và học tập của học sinh.

Giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác danh mục xuất bản phẩm tham khảo cho học sinh và cha mẹ học sinh, tuyệt đối không thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm về danh mục xuất bản phẩm tham khảo lưu hành trong đơn vị. Phòng GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Đặc biệt, TPHCM cũng thừa nhận tình hình thiếu SGK vào đầu năm học là có. Nguyên nhân do năm nay triển khai SGK mới, việc chọn sách sẽ có thay đổi từ năm học tới nên các đại lý phát hành, nhà sách không dám nhập sách nhiều như mọi năm (hầu hết nhà sách đều không đủ sách hoặc không bán riêng).
Thêm vào đó, các trường gặp khó khăn vì việc dự báo số lượng học sinh bị biến động (tăng dân số cơ học) nên chưa chính xác, một số phụ huynh muốn tự mua sách bên ngoài (việc phát hành sách trong trường không bắt buộc), một số trường chọn SGK không theo bộ (một trường có nhiều bộ sách theo môn học)…  

Để giải quyết những khó khăn đó, TPHCM đã kiến nghị điều chỉnh Thông tư số 36/2018/TT-BTC (ngày 30-3-2018) của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, quy định hiện hành không cho phép chi kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

Trước yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là đối với các trường tiểu học không thu học phí, việc nhà trường tự cân đối nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp để hỗ trợ việc tập huấn bồi dưỡng giáo viên là không phù hợp. Ngoài ra, việc bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên sau này cũng sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là trong giai đoạn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, cần hướng dẫn rõ quy định về thời lượng giáo dục tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học để các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí các tiết dạy cho phù hợp giữa các buổi và tổ chức các hoạt động giáo dục sau giờ học chính thức; xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận khi thực hiện xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.


Tin cùng chuyên mục