Theo TTCP, trong thời kỳ trên, mặc dù tỉnh Ninh Bình cùng các cơ quan chức năng quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, quản lý nguồn thu từ hoạt động khoáng sản có nhiều điểm tích cực, nhưng vẫn còn những tồn tại, vi phạm mà theo đó cần có hướng xử lý trong thời gian tới.
Cụ thể, trong quản lý bảo vệ môi trường về khai thác khoáng sản xuất hiện một số dự án chưa làm chặt chẽ trong khâu thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đáng kể, các dự án như khai thác khoáng sản tại mỏ đá Hang nước 2 do Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương làm chủ đầu tư…
Giai đoạn 2012 đến 4-2017, tỉnh Ninh Bình không ban hành văn bản quy định hệ số quy đổi từ khoáng sản thành phẩm sang khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, việc này khiến các doanh nghiệp vẫn nộp phí bảo vệ môi trường theo khối lượng khoáng sản thành phẩm. TTCP cho rằng, như vậy là vi phạm Nghị định 74 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường và Thông tư số 158 của Bộ Tài chính về phí bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, hàng năm, tỉnh Ninh Bình mặc dù tiến hành thanh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản có vi phạm, nhưng lại không có biện pháp giám sát dẫn đến sau khi bị xử phạt một số chủ đầu tư chưa nghiêm túc khắc phục sai phạm và chỉ khắc phục mang tính đối phó.
Quá trình thanh tra, kiểm tra 20 dự án khai thác khoáng sản, TTCP nhận thấy có 12 dự án của 10 chủ đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Đặc biệt, có nhiều dự án đã khai thác khoáng sản trong thời gian dài những chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo quy định…; một số dự án khai thác còn vượt công suất với khối lượng lớn trong nhiều năm. TTCP cũng chỉ ra có 18/20 dự án không quản lý được khối lượng khai thác khoáng sản thực tế do không có trạm cân.
Cơ quan thanh tra cũng tạm tính số tiền phí bảo vệ môi trường của 5 doanh nghiệp phải nộp là hơn 1,4 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền thuế tài nguyên của 3 doanh nghiệp (Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương, Công ty TNHH Duyên Hà, Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng) được TTCP nêu còn thiếu là hơn 32,5 tỷ đồng.
Đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. TTCP cho rằng, việc giao đất cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí Hồ Đồng Chương đến thời điểm thanh tra vẫn chưa tiến hành giải phóng được mặt bằng đối với diện tích 129,1ha. Mặc dù vậy tỉnh Ninh Bình cũng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Cũng tính tới thời điểm thanh tra, tỉnh Ninh Bình cũng chưa bàn hành quyết định để thu hồi 444,18ha đất do nông trường Yên Phú (được quy hoạch là công viên động vật hoang dã).
Với những tồn tại, vi phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư khai thác khoáng sản có vi phạm về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản; đồng thời, chỉ đạo làm rõ trách nhiệm đơn vị, cá nhân liên quan.
Đặc biệt, kiến nghị xem xét, thu hồi diện tích đất đối với 129,1ha đã giao cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (do đã chậm 9 năm) chưa thực hiện được dự án. Xem xét thu hồi 444,18ha đất nông trường Yên Phú đã giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân.
Tại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được Văn phòng Chính phủ thông báo ngày 9-7, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện nghiêm theo kết luận thanh tra, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên.