Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, hiện nay, 41 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ đang dự trữ phục vụ kinh doanh khoảng 86.000 tấn lúa và 359.411 tấn gạo. Hợp đồng ký kết phải giao khoảng 217.000 tấn; trong đó, số lượng đã được chuyển đến cảng khoảng 26.000 tấn (chưa mở tờ khai hải quan).
Sở Công Thương TP Cần Thơ đề xuất việc ưu tiên mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu đang kẹt ngoài cảng cho 10 doanh nghiệp với số lượng 25.965 tấn (từ ngày 23-3 đến ngày 30-3); thực hiện mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu phải giao tháng 4-2020 cho 14 doanh nghiệp với số lượng 50.000 tấn (từ ngày 1-4 đến 10-4). Các hợp đồng ký từ ngày 10-4 trở về sau, việc thực hiện thông quan phải theo quy định của Chính phủ.
Trước đó, Hiệp Hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan và các đơn vị khác có liên quan về những bất cập, khó khăn của các thương nhân khi mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo. Đến ngày 16-4, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL tiếp tục kiến nghị về xuất khẩu gạo.
Theo báo cáo của VFA, có 41 thương nhân gửi văn bản về với số lượng gạo đang chờ xuất tạii cảng và đóng tại kho. Nếu các lô hàng trên không được thông quan và xuất khẩu, các thương nhân sẽ bị thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
Vì vậy, cần giải tỏa toàn bộ lượng gạo hàng hóa tại các cảng bằng cách để các thương nhân khai tiếp những đơn hàng còn đang khai dở dang và cho thông quan số lượng gạo trên cảng trong thời gian sớm nhất (số lượng không vượt quá 300.000 tấn). Về hạn ngạch 400.000 tấn, cần tiến hành kiểm tra số container đã được các thương nhân mở tờ khai qua mạng xem có hay không.
Tùy thực tế có thể vừa kiểm tra và vừa xuất hàng bị tồn đọng tại cảng, vừa phát hiện được thương nhân khai báo khống nhằm giữ lượng hạn ngạch. Cần hủy toàn bộ tờ khai của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số containe, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa.
VFA cũng kiến nghị Tổng Cục Hải quan phải công khai, minh bạch về thời gian mở hệ thống cho khai hải quan, có văn bản triển khai cụ thể để Cục Hải quan địa phương, chi cục hải quan cửa khẩu và thương nhân biết để thực hiện. Đồng thời, Chính phủ cần xem xét miễn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng để các thương nhân vượt qua giai đoạn khó khăn chung này, tạo điều kiện cho thương nhân tiếp tục thực hiện các hợp đồng bao tiêu tiêu thụ lúa gạo với nông dân.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo việc triển khai văn bản 2827 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hai Bộ này có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng các nội dung trên trước ngày 18-4.
Cũng liên quan đến sự việc này, Văn phòng Chính phủ đã nhận được kiến nghị của UBND các tỉnh Long An, An Giang về việc xuất khẩu gạo, trong đó có đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nếp. Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị, báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4 và đề xuất phương án xuất khẩu gạo trong tháng 5.