Mâu thuẫn quỹ nhà tái định cư
Phát biểu tại buổi họp, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, theo Luật Nhà ở, nhà ở phục vụ cho tái định cư là nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.
guyên tắc chính của bồi thường là để người dân tạo chỗ ở mới, đối với những trường hợp không đủ điều kiện thì mua nhà ở xã hội. Luật Nhà ở cũng quy định, trong trường hợp không có nhà ở xã hội thì Nhà nước có thể mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội.
“Các quận huyện cần giải thích cho người dân nắm rõ. Ví dụ, trong quá trình bồi thường nhưng không đủ tạo lập chỗ ở mới nên chuyển sang diện giải quyết chính sách nhà ở xã hội. Mà đối tượng chính sách nhà ở xã hội thì giải quyết theo thứ tự ưu tiên. Trong từng dự án nhà ở xã hội có lập thang đối tượng để giải quyết, đối tượng này thuộc ưu tiên 1, chứ không có nghĩa người dân bị giải phóng mặt bằng không mua được nhà ở thương mại thì sẽ mua được nhà ở xã hội. Nếu có khả năng thì mua, còn không thì thuê mua (trả góp), hoặc là thuê. Do đó, vấn đề đặt ra là TP phải tập trung đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Muốn tập trung quỹ nhà tái định cư cho người dân là phải xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở các hộ dân gặp khó khăn. Pháp luật hiện cũng quy định chỉ được thực hiện tái định cư bằng nền đất ở 5 huyện, nhưng không nằm ở các trục đường quan trọng, còn quận là hoàn toàn không được phép”, ông Phan Trường Sơn cung cấp thông tin.
Ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng ban Giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức, cho rằng quy định nêu trên không phù hợp thực tế. Hiện nay, đối với nhà ở thương mại, tất cả các dự án đang triển khai, người dân nhận tiền không đủ mua nhà ở thương mại.
Còn đối với nhà ở xã hội, TP không có đủ quỹ nhà để giải quyết. Như vậy, chủ trương không đẩy ai ra ngoài đường là không thể làm được! Quận Thủ Đức đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 2 giai đoạn 3, có vài chục trường hợp người dân chỉ có khoảng 30m2 đất, nếu đủ điều kiện bồi thường thì họ nhận vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, căn hộ chung cư ở Thủ Đức bán rẻ nhất là 13 triệu đồng/m2. Nếu mua căn hộ buộc phải nợ, mà người dân không muốn nợ. Họ cho rằng, nếu không có dự án thì họ vẫn ở đây luôn. Những trường hợp này tới đây phải cưỡng chế, như vậy đưa người dân đi đâu?
“Lẽ ra khi thực hiện dự án, chúng ta phải chuẩn bị hết. Quy định của pháp luật đối với đô thị thì không được bố trí tái định cư nền đất, cũng đang bị xung đột đối với chủ trương đa dạng các hình thức bố trí tái định cư”, ông Nguyễn Quang Phước phân tích.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Cung cấp cái nhìn tổng quan về công tác bồi thường trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết, TP đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, tiếp tục kiến nghị trung ương xử lý.
Một thông tin tích cực, đó là so với trước đây, từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đơn thư khiếu kiện giảm rất nhiều; các khiếu nại chủ yếu xuất phát từ các dự án trước luật này có hiệu lực. Trong hàng loạt kiến nghị, ông Hồng cho biết, quan trọng nhất là xin Chính phủ có nghị quyết về cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nhìn nhận hàng loạt khó khăn trong công tác bồi thường đang diễn ra tại TP và cho biết, những quy định còn bất cập, thiếu sót, đoàn sẽ ghi nhận các kiến nghị; đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường có văn bản hoàn chỉnh và làm rõ các kiến nghị để báo cáo cho Đoàn đại biểu Quốc hội TP.
Đối với nội tại, TP cần giải quyết dứt điểm tình trạng những dự án chỉ còn vướng mắc vài hộ dân nhưng lại để kéo dài dây dưa nhiều năm, cản trở sự phát triển. Tính toán sử dụng hiệu quả quỹ nhà tái định cư, tránh lãng phí. Có giải pháp đảm bảo quyền lợi của người dân trong trường hợp nhà đất bị quy hoạch cây xanh, công cộng…