Kiến nghị tăng ngân sách cho khoa học công nghệ

Tại phiên họp toàn thể sáng 17-2, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

KIM THUÝ 17.jpg
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhìn nhận, để thúc đẩy phát triển nhanh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong tình hình hiện nay, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đón đầu công nghệ mới, công nghệ tương lai, điều quan trọng nhất là phải có các cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng.

Ví dụ như không gian làm việc; các phòng trưng bày, triển lãm hiện đại; phòng thí nghiệm; phòng thí nghiệm kết hợp sản xuất thử nghiệm… đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ công tác thiết kế, đào tạo, tiến tới xây dựng các nhà máy kiểm thử, đóng gói trong lĩnh vực bán dẫn, AI; các phòng nghiên cứu công nghệ sinh học; địa điểm thử nghiệm công nghệ mới cùng với các hạ tầng về năng lượng, nước sạch, hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, cáp quang, các trạm thu phát sóng 5G, 6G…

“Tuy nhiên, hiện nay, quy định chưa có hoặc mới đề cập chung chung, đặc biệt các trình tự, thủ tục để đầu tư, xây dựng rất rườm rà, chưa có các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể và không đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, ĐB Kim Thúy nhận xét.

HỘI TRƯỜNG SÁNG 17.jpeg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ĐB Quốc hội dự họp. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Kim Thúy đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ bằng nguồn ngân sách Nhà nước; thiết kế cơ chế đầu tư kết hợp giữa ngân sách Nhà nước với vốn ngoài Nhà nước, cùng các nguồn vốn hợp pháp khác (đầu tư bằng tiền, giá trị tài sản, trang thiết bị máy móc; chi phí quản lý vận hành, bảo trì; tài trợ bằng sản phẩm khoa học công nghệ mua từ nước ngoài, mua của doanh nghiệp trong và ngoài nước; hỗ trợ bằng tiền đối với phòng thí nghiệm, thử nghiệm, nhà máy sản xuất quy mô theo yêu cầu của Nhà nước).

Trong đó, giao đất đã giải phóng mặt bằng (đất sạch) bằng hình thức giao đất trực tiếp (không qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và không thu tiền sử dụng đất trong 10 năm trở lên, sau đó miễn giảm 50% tiền sử dụng đất cho thời gian tiếp theo (nếu như dự án có hiệu quả); giao thầu chìa khóa trao tay, chỉ định thầu hoặc đấu thầu rút gọn…

Cũng theo bà Kim Thúy, một trong những vấn đề then chốt có ý nghĩa khuyến khích đổi mới sáng tạo là cơ chế đột phá về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (trên cơ sở hạ tầng có nguồn vốn Nhà nước hoặc vốn kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân) theo hướng “người nghiên cứu được hưởng trọn vẹn quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm này hoặc có sự thỏa thuận giữa người làm ra sản phẩm với cơ quan quản lý Nhà nước”.

Đồng thời, được áp dụng quy định tại Điều 4 của dự thảo nghị quyết về cơ chế thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ hạ tầng do Nhà nước đầu tư.

CƯỜNG 17.jpg
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo nghị quyết theo hướng tăng ngân sách chi cho khoa học công nghệ, chấp nhận rủi ro.

Ông ví von: “Nghiên cứu khoa học công nghệ giống như khai thác dầu khí, có thể 10 mũi khoan mới 1 mũi có dầu. Thậm chí, nghiên cứu còn rủi ro hơn vì khoan dầu thì biết sản phẩm nếu có là dầu, còn KH-CN không thể biết chắc kết quả ra sao”.

Tán thành quy định đơn giản hóa thủ tục chi ngân sách, ĐB còn đề xuất mạnh dạn bỏ hẳn chính sách đấu thầu, chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, khoán chi đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

ĐB Cường và nhiều ĐB khác cùng chia sẻ quan điểm bổ sung quyền cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu được thương mại hóa kết quả để nhanh chóng phát huy hiệu quả nghiên cứu thay vì “xếp ngăn kéo”. Cạnh đó là đề nghị miễn thuế thu nhập cho tất cả hoạt động nghiên cứu và đầu tư mạnh mẽ cho các trường đại học, vốn là các trung tâm nghiên cứu lớn và rất hiệu quả, nhất là trường có hoạt động đào tạo tiến sĩ.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh, các nhà nghiên cứu cần có thu nhập chính đáng, thỏa đáng từ hoạt động nghiên cứu của mình để phát huy tốt nhất tài năng, trí tuệ. “Kết quả nghiên cứu phải được coi là hàng hóa của trí tuệ”, ĐB nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục