Sáng 25-2, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành, đơn vị liên quan tới công tác bầu của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Hội nghị trực tuyến được truyền hình tới các điểm cầu trong cả nước, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Nội vụ, các đơn vị chức năng đã báo cáo một số điểm mới, điểm cơ bản trong công tác bầu cử sắp tới.
Hội nghị tập huấn về công tác bầu cử được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu trong cả nước. Trong ảnh là điểm cầu tại Bộ Nội vụ. Ảnh: ĐỖ TRUNG Theo ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, mới đây Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01 về việc hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, ngày 23-5-2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và điều 28 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.
Cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử.
Ông Phan Văn Hùng thông tin những điểm chú ý tại Thông tư 01 của Bộ Nội vụ về Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: ĐỖ TRUNG Trường hợp thành viên tổ chức phụ trách bầu cử bị chết, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì lý do khác dẫn đến khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử thì căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, UBND sau khi thống nhất với Thường trực hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp mình trước ngày bầu cử.
Người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình từ giai đoạn chuẩn bị cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử.
Trước ngày bầu cử, tổ trưởng Tổ bầu cử chủ trì cuộc họp phân công cụ thể cho từng thành viên thực hiện các công việc trong ngày bầu cử; Tổ bầu cử thực hiện việc rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các loại phương tiện vật chất - kỹ thuật phục vụ ngày bầu cử.
Đối với công tác quản lý phiếu bầu, ông Hùng nói thêm, tổ trưởng Tổ bầu cử phân công thành viên quản lý chặt chẽ số phiếu bầu. Trường hợp phát hiện phiếu bầu bị mất thì Tổ bầu cử phải báo cáo ngay Ban bầu cử để có biện pháp xử lý kịp thời.
Các điểm chú ý quan trọng, ông Phan Văn Hùng cho hay, việc kiểm phiếu bầu cho từng người ứng cử chỉ thực hiện đối với những phiếu hợp lệ. Các phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 1 đại biểu; loại phiếu bầu 2 đại biểu; loại phiếu bầu 3 đại biểu,... Sẽ có ít nhất 3 người kiểm phiếu.
Bằng mọi cách đưa hòm phiếu và phiếu bầu tới cử tri
Theo đại diện Bộ Nội vụ, các tình huống có thể phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử cần phải được chuẩn bị chủ động. Theo đó, trường hợp dịch Covid-19 bùng phát thì Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trên tinh thần là địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG Đồng thời, đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (số 15 và số 16).
Trường hợp mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo Tổ bầu cử tìm phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cử tri để thực hiện việc bầu cử.
Trong trường hợp các tình huống phát sinh trên đã được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết nhưng không thể xử lý được, do vượt quá thẩm quyền thì Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Hội động bầu cử quốc gia xem xét, quyết định phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực này.
Địa phương kiến nghị giảm đại biểu từ Trung ương gửi về
Ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban Dân chủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, tính đến ngày 17-2, ở Trung ương và 63 địa phương đã hoàn thành việc Hiệp thương lần thứ nhất. Nhìn chung, việc tổ chức các hoạt động liên quan tới công tác bầu cử đều được thực hiện dân chủ, đúng luật. Đa số các địa phương thống nhất với phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giới thiệu đại biểu Quốc hội.
Về kết quả giới thiệu đại biểu Quốc hội, ở Trung ương và các địa phương đã giới thiệu 1.076 người ứng cử/500 đại biểu được bầu với tỷ lệ 2,15 lần (nhiệm kỳ trước là 2,20). Với việc giới thiệu đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, theo thống kê các tỉnh đã giới thiệu 7.656 người ứng cử/3.700 người được bầu, tỷ lệ là 2,06 lần. Tại 5 địa phương tự ứng cử đã có 14 hồ sơ.
Ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban Dân chủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao đổi thêm một số thắc mắc của các địa phương về công tác bầu cử. Ảnh: ĐỖ TRUNG Theo ông Vượng, đại đa số các địa phương đã đảm bảo số dư theo quy định của pháp luật cũng như số dư theo quy định của các Nghị quyết. Trong đó có 55 địa phương đảm bảo số dư theo quy định của Nghị quyết 09, quy định của pháp luật. Còn lại 8 tỉnh chưa đủ là Tây Ninh, Trà Vinh, Điện Biên, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Giang. Các địa phương này đều được phân bổ 6 đại biểu Quốc hội khoá XV, trong đó Trung ương gửi về 2, địa phương là 4.
Ông Vượng cho biết thêm, trong hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, đã có một số kiến nghị của các địa phương như đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng số lượng của địa phương, giảm số lượng đại biểu của Trung ương gửi về. Các địa phương cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ xem xét điều chỉnh cơ cấu nữ, dân tộc, ngoài Đảng, cơ cấu trẻ để phù hợp với địa điểm của từng địa phương
Tiếp đó, ông Vượng đã trao đổi với các đại biểu những quy định về việc tổ chức các hội nghị và lồng ghép những ý kiến thắc mắc của các địa phương...
ĐỖ TRUNG