Phát biểu mở đầu, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, qua thực tế giám sát, tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH TPHCM đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về công tác phòng chống ma túy, nhiều cử tri đề nghị sửa luật theo hướng tăng nặng mức xử phạt với hành vi mua bán chất ma túy. Qua buổi giám sát, đoàn sẽ chính thức kiến nghị với các cơ quan trung ương các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới.
Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng không hiệu quả
Theo các phường xã, hiện nay số người nghiện mới và tái nghiện vẫn còn cao, công tác cai nghiện tại cộng đồng không hiệu quả. Với các đối tượng không nơi cư trú ổn định, theo quy định trước đây nếu gửi thư xác minh sau 15 ngày chưa trả lời thì xem như người đó không cư trú ở địa phương đó. Nhưng hiện nay phải chờ kết quả xác minh mới xử lý được hồ sơ. Các cơ quan TP đã gửi phiếu xác minh bằng thư bảo đảm, gửi nhiều lần, thậm chí gọi điện nhắc nhưng hầu hết không nhận được trả lời, trễ hạn buộc phải đề nghị hủy quyết định.
Các phường xã cũng cho rằng, thực trạng sử dụng trái phép loại ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, nhất là tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, trong khi đó công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều sơ hở, bất cập. Từ đó, các phường xã kiến nghị TPHCM tập trung xử lý mạnh tay đối với các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ về tệ nạn ma túy như các bar, pub… UBND quận 6 nêu một bất cập khi thời gian tòa án đưa ra xét xử người nghiện áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221 quá dài. Sau khi tòa có quyết định, nếu sau 3 ngày đương sự không khiếu nại thì mới có hiệu lực. Trong thời gian này đương sự đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Một số quận huyện cũng nêu tình trạng người nghiện lợi dụng chính sách cai nghiện tại gia đình, cộng đồng để không phải đưa vào cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, các quận huyện đánh giá việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng không hiệu quả. Các đối tượng buôn bán, sử dụng chất ma túy có nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Nhiều loại chất gây nghiện mới như shisa, cỏ mỹ, bồ đà, bóng cười, tem lưỡi, nấm độc… nhưng hầu như chưa có văn bản, quy định nào đưa các chất này vào danh mục chất ma túy cấm lưu hành. Việc này gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, bắt giữ, xử lý các đối tượng.
Đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung
Trao đổi tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Huỳnh Thanh Khiết cho biết, việc cai nghiện tại cộng đồng theo quy định hiện nay là cắt cơn, giải độc tại trạm y tế xã phường. Nhưng đây không phải là nơi thích hợp và đủ điều kiện để làm nơi cai nghiện. Trong khi đó, chỉ khi đưa vào các trung tâm trong thời gian tối đa 24 tháng, cách ly gần như hoàn toàn với bên ngoài, được lao động, trị liệu, học nghề... thì mới phục hồi được. “Sở kiến nghị nếu cắt cơn thì đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung. Cắt cơn trong 15 ngày sẽ không thu phí, không để người nghiện trên địa bàn”, ông Huỳnh Thanh Khiết nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, cần thiết đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện tập trung, nhưng phải đầu tư đúng mức cho trung tâm để đạt mục tiêu cai nghiện. Bởi theo các báo cáo, TPHCM có hơn 25.000 người nghiện, trong đó trên 86% trường hợp nghiện là do bạn bè dụ dỗ, lôi kéo, nếu để người nghiện ở tại cộng đồng thì tái nghiện rất nhanh. Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Tăng Hữu Phong cùng các đại biểu đều đồng tình với việc Đoàn ĐBQH TPHCM cần có kiến nghị để sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy cho đồng bộ với các quy định, phù hợp với thực tiễn.