PHÓNG VIÊN: Năm nay mùa mưa đến sớm, mưa đầu mùa kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại tài sản cho người dân ở TPHCM. Với nhiệm vụ của mình, công ty đã có những biện pháp phòng ngừa nào nhằm hạn chế sự cố cây xanh?
Bà NGUYỄN THỊ HUỲNH ANH: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết ở TPHCM có diễn biến phức tạp, bất thường. Do vậy, công ty đã chủ động tăng cường tuần tra phát hiện hệ thống cây xanh theo đúng quy trình kỹ thuật và báo cáo xử lý theo quy định. Cụ thể, công ty có tổng đài, kênh liên hệ tiếp nhận thông tin xử lý về sự cố cây xanh. Theo đó, nhân viên văn phòng của các xí nghiệp thuộc Công ty Cây xanh thường xuyên trực đường dây điện thoại để tiếp nhận thông tin về sự cố cây xanh và tổ chức xử lý theo địa bàn được phân công quản lý.
Cùng với đó, công ty triển khai thực hiện công tác chăm sóc thường xuyên cây xanh, duy tu bảo dưỡng theo quy trình kỹ thuật như chống sửa cây nghiêng, lấy nhánh khô, mé gọn tán không để nhánh xụ, nhánh nặng tàn... Ngoài ra, đốn hạ và thay thế cây sâu bệnh, sam thân, bọng gốc, nghiêng nguy hiểm; hạ thấp chiều cao đối với cây quá cao, nguy cơ gây mất an toàn; thay thế dần các loài cây tạp bằng các chủng loài có nhiều đặc tính đáp ứng tiêu chí lựa chọn cây trồng đường phố. Đặc biệt, công ty chủ động rà soát, khảo sát các cây cổ thụ, cây nguy hiểm, cây trong danh mục cấm trồng… xem có gì bất thường để xử lý ngay.
Theo bà, những nguyên nhân chính yếu nào gây ra hiện tượng đổ, gãy cây xanh ở TPHCM?
Qua tổng kết nhiều năm, công ty đã rút ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây ngã, đổ như: các cây có hệ thống rễ ăn ngang với đặc tính cơ lý của thân, cành, nhánh giòn, dễ gãy như Bã đậu, Bàng, Trứng cá, Keo lá tràm, Bạch đàn... và cây có đặc tính tự rụng cành như Sao, Dầu có nguy cơ gãy đổ cao hơn cả. Ngoài ra, cây xanh ở khu vực bến sông, bến cảng, ven sông, kênh rạch, ở các khoảng không giao lộ, vòng xoay, các tòa nhà cao tầng…. dễ bị gió lốc làm gãy cành và đổ cây. Tuy nhiên, cá biệt cũng có những cây xanh không nằm trong các khu vực như vậy bị gãy đổ. Cụ thể, cây cổ thụ bật gốc ở quận Bình Thạnh làm 2 chiếc ô tô hư hỏng, kiểm tra không có dấu hiệu bất thường mà do thời điểm mưa lớn kèm theo dông lốc. Công ty cũng khuyến cáo khi trời mưa có kèm theo dông lốc thì người dân hạn chế đứng dưới gốc cây, tán cây.
Bà có thể nêu một vài tuyến đường, khu vực cụ thể mà người dân cần lưu ý khi đi qua trong mùa mưa?
Một số tuyến đường và công viên có nhiều cổ thụ với nhiều cây thân rễ ngang như: đường Ba Tháng Hai (quận 10), Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, công viên Gia Định…, là những nơi người dân cần hạn chế đi qua khi trời mưa. Thế nhưng cũng phải nói, nhiều năm qua, công ty đã trồng thay thế nhiều cây xanh rễ ngang ở các tuyến đường như Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận), Quang Trung (quận Gò Vấp), Ba Tháng Hai (đoạn quận 11), Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Tôn Đức Thắng (quận 1)…
Trong quá trình cắt tỉa, công ty gặp những khó khăn gì, hướng giải quyết như thế nào?
Nhằm tạo chủ động giải quyết các sự cố do cây xanh ngã đổ, công ty đề nghị hỗ trợ trang bị thêm các xe cẩu thang cao 18m và 24m, hệ thống chiếu sáng dự phòng công suất lớn đảm bảo đủ ánh sáng trong khu vực để giải quyết khi có nhiều sự cố cây xanh xảy ra. Công ty cũng đề nghị hỗ trợ trang bị thêm một số cưa máy. Ngoài ra, TPHCM xem xét giải quyết tiền nhân công trực bão từ nguồn phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm. Đặc biệt, kiến nghị thành phố sớm ban hành quy chế hỗ trợ tai nạn do cây xanh ngã, đổ từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, dự báo hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái La Nina cho đến hết tháng 5. Sau đó, từ tháng 6 đến tháng 8, khả năng LaNina còn tiếp tục tồn tại có xác suất 53% và khả năng chuyển sang pha trung tính trong thời kỳ tiếp theo có xác suất 40-50%. |