Kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục mầm non


Sáng 4-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT chủ trì phiên họp của Ủy ban về đổi mới phát triển giáo dục mầm non (GDMN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục mầm non
Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục mầm non

Tại đây, ngoài kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi, Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình GDMN.

Báo cáo về đổi mới, phát triển GDMN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay toàn quốc có gần 15.500 trường mầm non ở các loại hình và gần 16.000 cơ sở độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập). Tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,1%; toàn quốc có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 87,3%.

Bên cạnh các thành tựu, GDMN hiện còn các hạn chế, tồn tại, cụ thể Chương trình GDMN chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới (Chương trình GDMN được ban hành năm 2009), chưa liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năng lực đáp ứng nhu cầu huy động trẻ của mạng lưới cơ sở GDMN còn hạn chế. Hiện có khoảng gần 300.000 trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước ĐBSCL.

Hệ thống trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ; hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân, con người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trong các cơ sở GDMN độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế.

Hiện tính riêng bậc học mầm non, toàn quốc còn khoảng trên 5.000 phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDMN, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi.

Tình trạng thiếu GVMN kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết (hiện nay toàn quốc còn thiếu khoảng 50.000 GVMN); trong bối cảnh thiếu GVMN nhưng các địa phương vẫn thực hiện tinh giản biên chế viên chức là GVMN; có tình trạng GVMN bỏ việc và nghề GVMN càng ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập của GVMN đang thấp nhất trong các bậc học, trong khi GVMN chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại cơ sở GDMN dài nhất (9-12 giờ mỗi ngày).

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, mục tiêu công bằng trong phát triển GDMN chưa bảo đảm. Vẫn còn 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với GDMN. Chính sách đầu tư của Nhà nước cho GDMN công lập và ngoài công lập vẫn còn có điểm bất bình đẳng. GVMN làm việc trong điều kiện áp lực lớn nhất trong đội ngũ nhà giáo song lại có thu nhập ở mức thấp nhất.

Do đó, Bộ GD-ĐT đề xuất xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết đổi mới Chương trình GDMN mới; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Đề án đổi mới Chương trình GDMN; phát triển GDMN vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất và nơi tập trung đông dân cư.

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, thực hiện chính sách tinh giản biên chế công chức, viên chức song cần đảm bảo biên chế hiện còn thiếu của GDMN. Cần có giải pháp linh hoạt trong thực hiện tinh giản biên chế, bảo đảm thực hiện “nơi nào có học sinh là nơi đó có giáo viên”.

Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết Quốc hội về đổi mới Chương trình GDMN để đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình để phát triển toàn diện trẻ mầm non, đặt nền móng cho sự phát triển con người Việt Nam. “Cần có Nghị quyết để có căn cứ huy động các nguồn lực và sự tham gia, trách nhiệm của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện đổi mới chương trình GDMN”, Bộ GD-ĐT nêu.

Tin cùng chuyên mục