Tại buổi làm việc, các đại biểu (ĐB) đoàn ĐBQH TPHCM đã nêu ý kiến, đặt vấn đề với nhiều nội dung trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024, những vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) và các vấn đề liên quan tới xây dựng, đất đai, việc thực hiện nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM...
Báo cáo với đoàn, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, TPHCM có hơn 11.000 căn hộ và nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước, trong đó có gần 3.800 căn khu tái định cư Thủ Thiêm chưa sử dụng. Số căn hộ này không chuyển được sang dạng nhà ở xã hội vì quy định nhà ở xã hội rất khắt khe như miễn tiền sử dụng đất, chỉ được nằm trong khung 20 đến 70m2… Thành phố hiện cũng phải dành một số lượng lớn căn hộ và nền đất để phân bổ cho các dự án tái định cư cho các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố.
Trong giai đoạn 2021 – 2030, TPHCM dự kiến phát triển 69.000 – 93.000 căn hộ nhà ở xã hội. Đến quý I-2024, thành phố đã triển khai được 3 dự án với khoảng 900 căn hộ, đang thi công 6 dự án với khoảng 4.800 căn hộ, còn 27 dự án đang chỉ đạo phân nhóm, xử lý vướng mắc.
Ông Huỳnh Thanh Khiết đề xuất với Đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị Quốc hội cho phép triển khai Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 sớm, có hiệu lực từ 1-7-2024 thay vì tới 1-1-2025. Hiện các dự án tại TPHCM đang vướng vì chủ đầu tư chờ các ưu đãi, các điều kiện thông thoáng hơn ở 3 luật khung này, trong đó ví dụ như Luật Nhà ở đã có các chính sách thuận lợi để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, quy định về đất dành phát triển nhà ở xã hội, điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, cơ chế ưu đãi chủ đầu tư làm nhà ở xã hội. Việc các luật quan trọng này có hiệu lực sớm sẽ tháo gỡ những khó khăn hiện nay tại TPHCM.
Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM cho biết, đoàn ghi nhận những vướng mắc, khó khăn của UBND TPHCM và sẽ tập hợp để trao đổi, thảo luận tại nghị trường. Đoàn cũng đề nghị UBND TPHCM ghi nhận những kiến nghị của các ĐBQH để tiếp tục bổ sung vào nhiệm vụ kinh tế - xã hội TPHCM trong những tháng còn lại của năm 2024.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND TPHCM đã thông tin về tiến độ đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM (theo Nghị quyết 57). Theo đó, dự án thành phần 1 (DATP1) trên địa bàn TPHCM gồm 2 đoạn: 14,73km qua TP Thủ Đức và 31,62km qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Đến nay, 4 gói thầu có khối lượng thực đạt khoảng 11% giá trị xây lắp, 6 gói thầu đã khởi công cuối tháng 1-2024. Khó khăn gặp phải là thiếu nguồn cát san lấp.
Đối với DATP2 về công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất thì tổng diện tích đất đã thu hồi, bàn giao đạt 98,6%. TPHCM dự kiến tận dụng 7 khu tái định cư có sẵn để bố trí cho 404 hộ đủ điều kiện tái định cư bằng nền đất và 226 trường hợp tái định cư bằng chung cư.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, tiến độ thi công dự án đường Vành đai 3 cơ bản đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết 57. TPHCM tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong quá trình triển khai dự án.