Theo đó, trong những năm gần đây, đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn, như: pháp lý của dự án chưa được tháo gỡ đồng bộ; vướng mắc trong thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất...
Ngoài ra, việc kiểm soát chặt chẽ thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu đã khiến DN khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng dẫn đến chi phí hoạt động của DN tăng cao. Điều này khiến nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.
Do vậy, để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, hiệu quả, TPHCM kiến nghị nguồn thu từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại bổ sung cho quỹ phát triển nhà ở thành phố để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; tập trung kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu DN, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các DN BĐS, của tổ chức tín dụng có liên quan đến DN BĐS, các DN có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản bảo đảm. Đồng thời kiến nghị bộ, ngành chức năng cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng; sớm ban hành quy định về thuế suất giao dịch BĐS và số lượng BĐS sở hữu chịu thuế để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch BĐS và đảm bảo hoạt động kinh doanh BĐS được minh bạch và lành mạnh.