Sáng 21-4, tại UBND xã Cẩm Trung, UBND huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (Công ty Sông Đà) đã tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với người dân ở các xã Cẩm Trung, Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh) để tìm giải pháp chung liên quan đến việc thu phí BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh đặt tại Trạm thu phí Cầu Rác trên tuyến quốc lộ 1A (QL1A) đoạn qua địa bàn xã Cẩm Trung.
Trạm thu phí BOT Cầu Rác đặt trên quốc lộ 1A
Đây là cuộc đối thoại đầu tiên sau khi xảy ra việc khoảng 50 ô tô các loại của người dân địa phương tụ tập phản đối thu phí BOT tại Trạm thu phí Cầu Rác vào ngày 16-4 gây ách tắc cục bộ tuyến quốc lộ 1A. Tiếp đó, người dân đồng loạt viết đơn, ký gửi UBND tỉnh, chính quyền các địa phương, nhà đầu tư Công ty Sông Đà để yêu cầu miễn phí 100% qua trạm BOT Cầu Rác.
Về tổng mức đầu tư của Dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Hà Tĩnh là hơn 800 tỷ đồng, theo tính toán, đến năm 2020 sẽ hoàn thành thu phí BOT.
Tại cuộc đối thoại, nhiều ý kiến của người dân địa phương tỏ thái độ phản đối việc không hề lưu thông trên đường BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh (cách Trạm thu phí Cầu Rác gần 30km) nhưng vẫn bị thu phí BOT khi qua Trạm thu phí Cầu Rác là hoàn toàn vô lý, gây ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích kinh tế của người dân. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải tính toán, nghiên cứu miễn 100% phí BOT qua Trạm thu phí Cầu Rác cho người dân ở hai đầu trạm thu phí. Nếu không thì xem xét dịch chuyển vị trí đặt trạm thu phí về nơi phù hợp ở trên tuyến tránh TP Hà Tĩnh chứ không thể đặt trạm trên QL1A để hoàn vốn BOT… "Đã nhiều năm nay, người dân nộp phí oan uổng cho BOT qua Trạm thu phí Cầu Rác rồi. Nay phải miễn 100% phí, vì thu phí như vậy là hết sức vô lý. Nếu không thì đề nghị nhà đầu tư BOT phải dịch chuyển trạm thu phí về đúng vị trí phù hợp của nó. Muốn kinh doanh hay hoàn vốn BOT là việc của nhà đầu tư, dân không đi đường BOT tại sao lại phải đóng phí. Nếu nhà đầu tư vẫn tiếp tục thu tiền phí BOT thì dân sẽ còn kéo đến trạm đòi quyền lợi chính đáng của mình…", một người dân ở huyện Cẩm Xuyên nêu ý kiến. Tại cuộc đối thoại, theo lãnh đạo Công ty Sông Đà, việc đặt Trạm thu phí BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh tại Cầu Rác đối với các phương tiện trên địa bàn mà không sử dụng tuyến tránh TP Hà Tĩnh là có nhiều bất cập. Trước thực tế đó, năm 2009, nhà đầu tư đã thực hiện giảm 50% phí cho người dân vùng lân cận… Về tổng mức đầu tư của Dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Hà Tĩnh là hơn 800 tỷ đồng, theo tính toán, đến năm 2020 sẽ hoàn thành thu phí BOT. Kết quả thu phí được cập nhật hàng ngày và báo cáo Bộ GTVT, đảm bảo công khai minh bạch… Riêng về đề xuất việc giảm 100% phí BOT qua Cầu Rác cho người dân Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, không thuộc thẩm quyền của nhà đầu tư, đơn vị xin tiếp thu và sẽ tập hợp ý kiến báo cáo trình lên các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Nhà đầu tư cũng mong muốn người nhân dân, chính quyền địa phương hiểu, đồng hành cùng doanh nghiệp, hứa sẽ thực hiện hết chức năng nhiệm vụ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân… Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: UBND huyện đã kiến nghị và UBND tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo lên Bộ GTVT đề nghị xem xét, giải quyết những bất cập trong quá trình thực hiện thu phí BOT tại Trạm thu phí Cầu Rác… Đề nghị Công ty Sông Đà tiếp thu, tổng hợp ý kiến của người dân, báo cáo, đề xuất Bộ GTVT có phương án giải quyết và trả lời cho dân về việc miễn giảm phí BOT qua Trạm thu phí Cầu Rác. Các chính sách, thủ tục miễn giảm cụ thể cho người dân ra sao, Công ty Sông Đà cũng phải có văn bản gửi sớm về huyện… Ngoài ra, yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các xã trên địa bàn phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến trong nhân dân, cảnh giác cao với đối tượng cực đoan, phản động xúi dục, chống phá để kịp thời xử lý ngay tại cơ sở, không để gây ách tắc giao thông trên QL1A như vừa qua ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.