Về nội dung trên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và có những ý kiến, góp ý cụ thể đối với TPHCM. Liên quan đến vấn đề này, Báo SGGP trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của PGS.TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM.
Cơ chế, chính sách với TPHCM chưa khác biệt so với nơi khác
TPHCM là đô thị lớn của cả nước với hai đặc thù cơ bản. Đó là đô thị đặc biệt với quy mô và mật độ dân số lớn nhất cả nước và là trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực phía Nam.
Dù vậy, TPHCM đang đứng trước 5 thách thức. Đó là kết cấu hạ tầng còn yếu kém không theo kịp và cản trở sự phát triển; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả giảm dần và thấp hơn cả nước; tổng tỷ suất sinh dưới tỷ suất sinh thay thế và thấp nhất cả nước. TPHCM cũng là thành phố có số đối tượng tệ nạn xã hội nhiều nhất, vi phạm pháp luật cao. Trong khi đó, tỷ lệ nộp thu ngân sách về Trung ương cao nhất cả nước nhưng lại có tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM thấp nhất cả nước, không đảm bảo phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đánh giá: “TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”.
Tuy nhiên, Nghị quyết 16 chưa được cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật. Do vậy, trên thực tế cơ chế, chính sách phát triển của TPHCM hiện không khác gì so với các địa phương khác.
Để giải quyết từng bước các thách thức trên, TPHCM đã nghiên cứu, đề xuất và được Quốc hội chấp thuận ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thời gian thực hiện 5 năm. Qua thực tế 5 năm triển khai thực hiện cho thấy cơ chế đặc thù về quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với TPHCM theo Nghị quyết số 54 còn khá khiêm tốn, chưa thật sự mang tính đột phá.
Trong đó, cơ chế đặc thù này chỉ tập trung vào các quy định dưới luật. Các nội dung liên quan đến luật, đến các thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thì TPHCM vẫn phải xin ý kiến và chờ trả lời của các bộ, ngành rồi trình lên Chính phủ xem xét, chỉ đạo, quyết định. Các nội dung xin làm thí điểm cũng phải thực hiện như trên.
Có thể nói, hầu hết các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước của chính quyền, quản lý ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý đô thị, quản lý xã hội... đều được quy định trong các luật, nghị định, nên khi thực hiện đều phải làm đúng các quy định nêu trên. Do vậy, bản thân một nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù không thể tháo gỡ hết các vướng mắc trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền.
Một trong những hạn chế khác là Nghị quyết 54 có thời hạn áp dụng trong 5 năm nên không căn cơ, lâu dài. Về phía Trung ương, các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương cũng sẽ kiến nghị có cơ chế đặc thù thì rất khó cho Quốc hội, Chính phủ.
Luật Chính quyền đô thị loại đặc biệt - giải quyết căn cơ
Để giải quyết ổn định, lâu dài, căn cơ, TPHCM cần kiến nghị Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Chính quyền đô thị loại đặc biệt. Luật này áp dụng cho các đô thị lớn trong cả nước, trước hết áp dụng cho Hà Nội và TPHCM.
Nội dung cốt lõi của Luật Chính quyền đô thị loại đặc biệt là phân cấp quản lý đầy đủ, đồng bộ, thực chất, toàn diện, ổn định lâu dài cho chính quyền đô thị loại đặc biệt đủ thẩm quyền và trách nhiệm để giải quyết các vấn đề quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố của mình. Chẳng hạn, xác định tỷ lệ điều tiết ngân sách ổn định, lâu dài theo mức sàn (thấp nhất là 1/4 tương đương 25% hoặc 1/3 tương đương 33%) các khoản thu điều tiết theo Luật Ngân sách giữa Trung ương và thành phố loại đặc biệt, trong thời kỳ 10 năm. Từ mức sàn trở lên, Chính phủ có thể bổ sung thêm cho các thành phố tùy theo tình hình thu, chi ngân sách hàng năm của cả nước.
Cùng với đó, Luật Chính quyền đô thị loại đặc biệt cần phân cấp cho HĐND thành phố quyết định phân bổ dự toán chi ngân sách các khoản mà thành phố thu được từ tỷ lệ điều tiết ngân sách trên địa bàn và thu phí của địa phương. Hoặc giao thẩm quyền cho HĐND thành phố căn cứ vào ngân sách của địa phương mà bố trí tổng biên chế công chức, viên chức trực thuộc trong bộ máy chính quyền đô thị loại đặc biệt của mình.
Việc bố trí tổng biên chế này theo định mức biên chế công chức, viên chức trên tổng dân số và tùy theo ngân sách của địa phương mà khoán quỹ lương cho các quận/huyện, phường/xã. Tinh thần là cấp nào tiết kiệm biên chế thì cán bộ, công chức ở cấp đó hưởng lương khoán cao hơn…
Tương tự, có thể phân cấp cho chính quyền đô thị loại đặc biệt (HĐND thành phố hoặc UBND thành phố) quyết định tất cả các nội dung dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương và dự án nằm trên địa bàn của địa phương. Từ quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện, đấu thầu, thực hiện dự án đến nghiệm thu, hoàn công. Trừ các dự án liên vùng và dự án có vốn do Trung ương bố trí (như dự án đường vành đai 3, 4…).
Theo PSG.TS Trương Thị Hiền, Chính quyền đô thị loại đặc biệt cũng cần được chủ động ban hành bảng giá đất trên địa bàn thành phố; phân cấp HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích, công năng sử dụng đất trên đất lúa, đất nông nghiệp diện tích đến 10 ha. Phê duyệt các dự án sử dụng các loại đất chuyển sang đất xây dựng nhà ở, thương mại. dịch vụ... |