Xuất phát điểm của tranh cãi này là việc Sở KH-ĐT TPHCM căn cứ Công văn số 1736 ngày 7-3-2017 của Bộ KH-ĐT, đã giải quyết cấp đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật (không theo các hình thức hành nghề của luật sư)” cho một doanh nghiệp tư vấn bất động sản.
Công văn 1736 xác định “Hành nghề luật sư” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; nhưng lại giải thích: trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Đoàn Luật sư TPHCM nêu quan điểm: Trước khi ban hành Luật Luật sư năm 2006, hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý và tư vấn pháp luật diễn ra bát nháo, tràn lan, do các tổ chức, cá nhân không đủ phẩm chất, năng lực, trình độ thực hiện, gây mất ổn định trật tự xã hội và xâm hại quyền lợi của người dân.
Chính vì vậy, ngay khi ban hành Luật Luật sư năm 2006, Quốc hội đồng thời ban hành Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11 về việc thi hành Luật Luật sư. Theo đó, các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục kinh doanh thì phải có đủ điều kiện hành nghề luật sư và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của Luật Luật sư; nếu không chuyển đổi thì phải chấm dứt hoạt động.
Ngày 30-3-2009, Ban Bí thư có Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu xã hội...
Như vậy, việc cấp đăng ký ngành nghề hoạt động pháp luật “đại diện, hoạt động tư vấn pháp luật” cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại theo Luật Doanh nghiệp là vi phạm Nghị quyết 65/2006/NQ-QH11, trái với chủ trương của Chỉ thị 33-CT/TW và không phù hợp xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
“Pháp luật đã quy định rất rõ: Tư vấn pháp luật là một hoạt động hành nghề của luật sư. Ngoài luật sư, chỉ có Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và Trung tâm Tư vấn pháp luật mới được hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí hoặc không nhằm mục đích lợi nhuận”, Đoàn Luật sư TPHCM nhấn mạnh. Từ đó, Đoàn Luật sư TPHCM đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ Tư pháp và Bộ KH-ĐT thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 65/2006/NQ-QH11; chỉ đạo Bộ KH-ĐT thu hồi Công văn 1736.