Kiến nghị hỗ trợ chỗ ở cho dân phố cổ Hà Nội, vẫn để họ kinh doanh phố đêm

Sáng 20-6, Quốc hội thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Quốc hội 20-6.jpg
Quốc hội sáng 20-6. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thảo luận về nội dung này, đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề cập đến vấn đề phát triển trục sông Hồng, để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô, có sự phân bổ hài hòa các không gian về sinh thái, văn hóa, lịch sử, đô thị hiện đại… ở 2 bờ sông.

Bên cạnh đó, vấn đề cải tạo khu chung cư cũ cũng được nêu ra, rất có ý nghĩa, đặc biệt trong việc tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng, là vấn đề cấp thiết, bức xúc hiện nay. ĐB cũng đánh giá quy hoạch đã giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng sông; giải quyết vấn đề nước thải, rác thải..

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu.jpg
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Tuy nhiên, theo ĐB, quy hoạch lại thành phố cần chú ý phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi có sự cố cháy nổ, các sự cố nghiêm trọng. “Dứt khoát phải có đường rộng để đi, phải tìm mọi cách để làm. Phải giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội. Việc này phải bàn với dân để tìm sự đồng thuận cao. Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống, đến bây giờ rất khó để xử lý, sửa chữa, do đó, lần này, cần hạn chế dần, không được xây mới và quy hoạch lại để thay đổi hiện trạng Thủ đô”, ĐB Nguyễn Anh Trí nêu.

Về đường trên cao, ĐB đề nghị chỉ phát triển ở ngoài; trong phố nơi đông đúc, có nhiều nhà cao tầng, hiện đại thì cần hạn chế tối đa như phố cổ, phố có nhiều nhà cao tầng, hiện đại…, vì sẽ ngăn cản tầm nhìn và làm xấu thành phố.

Về không gian ngầm, ĐB cho rằng cần có một đồ án riêng, nên mời chuyên gia giỏi, chuyên gia quốc tế ở các nước tiên tiến để làm quy hoạch và vẽ đồ án, nếu lần này không kịp thì cho phép Chính phủ làm và Quốc hội thông qua một ở một dịp khác.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình).jpg
ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình)

ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) băn khoăn về việc áp dụng mô hình thành phố trong Thủ đô. “Tôi muốn Thủ đô Hà Nội trong thành phố Hà Nội. Nên chăng các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội, còn Hà Nội là thành phố Hà Nội, gồm cả Thủ đô Hà Nội và các các khu vực khác. Như vậy, chúng ta mới có nguồn lực để tập trung vào Thủ đô, 64 tỉnh thành mới có khả năng để vì Hà Nội”, ĐB Nguyễn Văn Thân nêu.

Từ đó, Thủ đô Hà Nội phải là trung tâm chính trị, văn hóa chứ không thể là trung tâm chính trị, kinh tế. Nếu tư duy như thế chúng ta sẽ phát triển Thủ đô Hà Nội nằm trong thành phố Hà Nội, là trung tâm chính trị, văn hóa. Khi đó, theo ĐB Nguyễn Văn Thân, Thủ đô Hà Nội sẽ giữ nguyên vẹn 36 phố phường, chỉnh trang lại; không xây những tòa nhà cao tầng. Cùng với đó là các trung tâm văn hóa ở các công viên…

Là một trong những người tham gia xây dựng quy hoạch, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, phải tập trung giải quyết vấn đề, nút thắt lớn nhất của Thủ đô Hà Nội hiện nay là vấn đề giao thông ùn tắc. Trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông, bảo đảm cho người dân có thể di chuyển bất kể một địa điểm nào trên khu vực Thủ đô đều có thể sử dụng đường sắt. Lúc đó, người dân sẽ tự động thay thế các phương tiện giao thông cá nhân, giải quyết được vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu.jpg
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Khi mạng lưới đường sắt phát triển thì kết nối với các vùng ngoại thành, giãn được các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô, phát triển những vùng đô thị mới; giải quyết được những bức xúc của khu vực đô thị hiện nay như chung cư cũ, nhà thấp tầng lụp xụp, chen chúc, mất an toàn. Song song đó là phát triển hệ thống không gian ngầm, đó chính là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại. “Tôi cho rằng việc này không cần tốn tiền, nếu có đường sắt rồi thì tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo được các đô thị”, ĐB Cường nêu.

ĐB cũng cho rằng, phải có cơ chế để hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ; không thu hồi nhà của những người dân này, nhưng vẫn phải hỗ trợ về chỗ ở cho họ; tài sản vẫn của người ta, người ta có thể tự sản xuất, kinh doanh hoặc cho những nhà đầu tư vào đầu tư, cải tạo trở thành những nơi lưu trú, những nơi để kinh doanh ăn uống.

Như vậy, chúng ta sẽ phát triển được một không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, Hồ Tây, sông Hồng, trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm. Đó sẽ là những điểm tạo ra được động lực phát triển rất lớn của Thủ đô”, ĐB Hoàng Văn Cường phân tích.

Tin cùng chuyên mục