Theo đó, Bộ Công thương có công văn trình Thủ tướng Chính phủ về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và hạn mặn ở ĐBSCL. Khi đã tính toán kỹ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì có thể cho phép xuất khẩu gạo, nhưng phải kiểm soát chặt số lượng từng tháng; trong đó cho xuất khẩu gạo tháng 4 và tháng 5-2020 khoảng 800.000 tấn, trước mắt trong tháng 4 cho xuất 400.000 tấn, sau đó căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và ý kiến của các bộ ngành liên quan để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét về xuất khẩu gạo tháng 5-2020.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương về phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4-2020, như đề xuất của Bộ Công thương tại văn bản 2412/BCT-XNK ngày 6-4 (sau khi đã lấy ý kiến của Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), trên tinh thần bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh Covid-19; giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan...
Vào sáng ngày 12-4, Tổng Cục hải quan đã cho khai hải quan (việc này không được thông tin rộng rãi chính thức trước đó) và chỉ vài giờ thì tổng lượng khai đã lên đến 399.989 tấn gạo (trong hạn ngạch 400.000 tấn của tháng 4, chỉ còn 11 tấn) nên nhiều doanh nghiệp khác không thể khai báo hải quan được nữa.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không biết thông tin này, nên không kịp khai tờ khai. Riêng tỉnh Long An chỉ có 7/24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh đã khai báo hải quan được, tuy nhiên số lượng gạo khai báo chỉ khoảng 8.500 tấn gạo, một con số rất khiêm tốn (so với trung bình xuất hơn 50.000 tấn/tháng).
Do số lượng gạo xuất khẩu đã khai chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng hợp đồng dự tính sẽ xuất trong tháng 4. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã đóng xong hàng hóa tại cảng, nhưng vẫn không khai báo hải quan được, do không biết thời gian mở cho khai hải quan. Các doanh nghiệp lo ngại thời gian khai hải quan trên là chưa công bằng giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, Sở Công thương tỉnh Long An kiến nghị Bộ Công thương trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính về công khai minh bạch thời gian khai hải quan, có văn bản triển khai thực hiện cụ thể để các doanh nghiệp thực hiện.
“Cần thấy rằng, khả năng ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp là khác nhau, nên xem xét phân bổ tỷ lệ hạn ngạch cho từng doanh nghiệp theo thành tích xuất khẩu 6 tháng trước đó để mỗi doanh nghiệp đều có cơ hội xuất khẩu trong tháng 5-2020 nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Công thương xem xét việc đề xuất của UBND tỉnh Long An về cơ chế xuất khẩu mặt hàng nếp không giới hạn số lượng, bởi hiện nay nếp tiêu dùng trong nước rất ít, trong khi lượng nếp tồn kho chỉ riêng Long An khoảng 56.000 tấn”, ông Lê Minh Đức nói.
Cũng trong chiều 13-4, đại diện Công ty TNHH Dương Vũ (một trong những đơn vị xuất khẩu nếp hàng đầu ở Long An) tiết lộ: “Nhiều năm nay đơn vị chúng tôi phối hợp với thương lái, chính quyền… cùng nông dân xây dựng vùng sản xuất nếp phục vụ xuất khẩu 100%. Qua đó, thu mua nếp cho nông dân cao hơn lúa bình quân khoảng 1.500- 2.000 đồng/kg; đảm bảo có lãi khá. Tuy nhiên, gần đây mặt hàng nếp cũng tạm dừng xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó; trong đó riêng công ty Dương Vũ có khoảng 15.000 tấn nếp đã “đóng hàng xong”, mà chưa xuất được, khiến tốn kém nhiều chi phí…”.
Trước đó, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được ưu tiên xuất khẩu nếp và các loại giống lúa Japonica (hạt tròn). Hiện nông dân An Giang gieo sạ hàng năm hơn 115.000 ha nếp, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ và khoảng 10.000 ha lúa hạt tròn với sản lượng 75.000 tấn/năm. Mục tiêu sản xuất 2 sản phẩm trên chủ yếu để phục vụ xuất khẩu (không dành tiêu thụ trong nước) và những năm qua nông dân cùng doanh nghiệp liên kết, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả…