Nguyên nhân là vì giá xăng dầu tăng lên kịch trần trong thời điểm hiện nay sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá cả chung của thị trường, đặc biệt là việc sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chưa kể, đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cùng với giá dầu thế giới đang tăng nhanh từ đầu năm tới nay có thể tạo ra tác động kép cho người dân và doanh nghiệp. Bởi theo công bố của Bộ Công thương trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 8-5 cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore của 15 ngày trước kỳ điều hành với mặt hàng RON 92 là 80,8 USD/thùng; RON 95 là 86 USD/thùng và diesel là 97,4 USD/thùng. Thực tế này khiến giá xăng hiện tại so với thời điểm ngày 1-1 đã tăng khoảng 840 đồng/lít với E5 RON 92; tăng hơn 2.000 đồng/lít với RON 95 và gần 1.600 đồng/lít với dầu diesel. Do đó, nếu đề xuất của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu sẽ tăng lên kịch khung với thời hạn áp dụng từ ngày 1-7, sẽ gia tăng áp lực gia tăng mạnh chi phí cho nền kinh tế.
Trước đó, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương trong góp ý về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu cũng cho rằng, cần có lộ trình điều chỉnh một cách hợp lý và nghiên cứu kỹ tác động về mặt kinh tế của chính sách này bởi đây là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi theo tính toán, nếu giá xăng, dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít thì nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp cũng tăng. Từ đó, người tiêu dùng cũng phải chấp nhận mua sản phẩm với mức giá bị điều chỉnh từ phía doanh nghiệp.