Kiến nghị giảm thuế VAT xuống còn 5-6% để kích cầu nội địa

Tại buổi toạ đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển" do báo Báo Người Lao Động tổ chức ngày 16-5, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, các dự báo đều cho thấy tình hình kinh tế đang khó khăn. Kinh tế TPHCM quý 1-2023 chỉ tăng trưởng 0,7% phản ánh rõ nhất điều này.
TS Trần Du lịch phát biểu tại buổi toạ đàm
TS Trần Du lịch phát biểu tại buổi toạ đàm

Hiện TPHCM đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhưng chỉ có giải ngân dự án Vành đai 3 có tỷ lệ tăng đột biến. Ở các quận huyện tiến độ vẫn ì ạch do các địa phương chưa thật sự vào cuộc.

Cùng chung nhận định, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, kinh tế TPHCM quý 1-2023 giảm sâu. TPHCM với độ mở đặc biệt, khi môi trường vĩ mô thuận lợi thì kinh tế TPHCM thuận lợi, còn khi bất lợi thì TPHCM cũng bị bất lợi theo. Nhìn chung, bức tranh kinh tế trong 4 tháng đầu năm chưa có gì sáng.

Theo TS Trần Du Lịch, có ý kiến nhận định kinh tế có thể khởi sắc từ cuối quý 2-2023 nhưng điều này rất khó xảy ra nếu chỉ dựa vào một vài chỉ số thị trường. Doanh thu hàng hóa dịch vụ quý 1-2023 tăng trưởng tốt nhưng qua tháng 4 đã bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp. Thị trường du lịch có khởi sắc nhưng khách du lịch ngày càng thưa thớt. Ngoài ra, các trụ cột xuất khẩu, đầu tư công chưa tăng…

Để kinh tế sớm phục hồi, TS Trần Du Lịch kiến nghị phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa thông qua công cụ từ Nhà nước và cả doanh nghiệp. Cụ thể, cơ quan Nhà nước phải nghiên cứu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo từng ngành, vì mức giảm còn 8% như vừa qua là chưa đủ mà cần giảm xuống 5-6% để kích cầu thị trường nội địa; đồng thời cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng. Còn về phía doanh nghiệp, cần một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó như hiện nay, nếu không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ rất hạn chế, ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Bên cạnh giải quyết những vấn đề trước mắt, chính quyền cần có giải pháp căn cơ để hấp thụ dòng vốn đầu tư công, nhất là ở lĩnh vực bất động sản. Bởi lẽ, nếu không khơi thông được thị trường bất động sản thì các doanh nghiệp liên quan sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Liên quan đến khơi thông thị trường, PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, hiện rủi ro về thị trường nội địa rất lớn trong khi đó thị trường thế giới liên tục biến động. Tiếp đến là rủi ro về chính sách, một số chính sách vừa thông qua lại sửa ngay trong khi muốn tháo gỡ lại rất khó. Do đó, hiện nhiều đơn vị không dám hành động do nhiều vướng mắc về chính sách. Do đó, cần phải nhận diện và giải quyết vấn đề này.

Riêng TPHCM thời gian qua đã đề xuất nhiều chủ trương rất hay nhưng chưa được áp dụng như mô hình chính quyền đô thị. Những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng (giao thông, ngập nước, tắc nghẽn hạ tầng…) và không có thêm động lực mới.

“Muốn đột phá, TPHCM cần những dự án đột phá như: cảng trung chuyển Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại… cùng với đột phá về thể chế để kéo các nhà đầu tư lớn về TPHCM. Bởi vì, vấn đề của TPHCM không chỉ của riêng TPHCM mà là vấn đề của cả nước. Cơ chế, chính sách đột phá cho TPHCM tức là cho cả nước, bởi TPHCM gánh trên vai sứ mệnh đầu tàu cả nước. Và chỉ khi đầu tàu bứt tốc mạnh mẽ thì mới có thể kéo cả đoàn tàu đi lên.

Tin cùng chuyên mục