Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho biết còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư chuyển đổi phương tiện thu gom rác theo đúng tiêu chuẩn, lộ trình của Quyết định 44.
Đại diện Hợp tác xã (HTX) thu gom Nhơn Phú (quận 9) cho rằng, việc chuyển đổi phương tiện thu gom đối với HTX hiện nay là rất khó khăn do không có kinh phí.
Để có thể hoàn thành được yêu cầu này vào tháng 10-2019 như quy định của Quyết định 44, HTX Nhơn Phú kiến nghị Quỹ Bảo vệ môi trường của thành phố nên giảm lãi suất cho vay hiện nay là khoảng 4%/năm xuống còn 0% và thời gian cho vay nên là 20 năm.
Cùng khó khăn này, đại diện HTX thu gom rác Liên Minh (quận Thủ Đức) cũng phân tích, kinh phí để đầu tư cho một chiếc xe đạt chuẩn theo quy định vào khoảng 900 triệu - 1,2 tỷ đồng, số tiền này quả thực rất lớn đối với một HTX, khi mà thu nhập của các xã viên chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Đó là chưa kể khi thực hiện phân loại rác, thu nhập của lao động sẽ bị sụt giảm do mất đi nguồn thu từ ve chai. Vì thế, HTX thu gom Liên Minh kiến nghị thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa về lãi suất cho vay cũng như thời gian cho vay, để đơn vị có điều kiện chuyển đổi phương tiện theo quy định.
Ông Khuất Triều Long, Phòng TN-MT quận 3, cho biết vướng mắc của quận 3 hiện nay là khó quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập; ý thức của người dân cũng còn kém nên kết quả phân loại mới chỉ đạt 30%. Quận 3 kiến nghị thành phố có giải pháp hỗ trợ, giúp lực lượng thu gom rác dân lập phát triển lên HTX để việc thu gom hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết chương trình phân loại rác tại nguồn được TPHCM triển khai từ năm 2006. Tuy nhiên do còn vướng mắc, thiếu pháp lý nên chương trình bị chững lại, nay với Quyết định 44, có thể nói là đã đủ cơ sở pháp lý để thành phố quyết tâm thực hiện bằng được chương trình này. Đối với vấn đề về tài chính, sở sẽ cùng các đơn vị liên quan tìm hướng giải quyết phù hợp nhất để hỗ trợ các đơn vị.