Đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như Petrolimex Saigon, Saigon Petro, Comeco... đều cho biết, đến nay công tác chuyển bị chuyển đổi từ xăng RON92 qua RON92 E5 đã sẵn sàng.
Về nguồn cung ethanol, các doanh nghiệp đã ký kết với các đơn vị cung cấp trong nước. Trường hợp nguồn cung ethanol trong nước chưa bảo đảm do một số doanh nghiệp tạm ngưng đến nay chưa sản xuất trở lại, các doanh nghiệp đã có kế hoạch nhập khẩu E100 để bù vào.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp lo ngại nguồn cung RON92 E5 tiêu thụ chậm và dẫn đến “phá sản” khi áp dụng đại trà vì trong thời gian qua tỷ lệ bán được rất thấp, chỉ trên dưới 5%, tùy doanh nghiêp. Nguyên nhân là do khách hàng không mua vì không am hiểu về lợi ích cũng như nhận thấy không hiệu quả về kinh tế khi sử dụng.
Công tác chuẩn bị chuyển đổi từ xăng RON92 qua RON92 E5 đã sẵn sàng. Ảnh: CAO THĂNG
Vì vậy các doanh nghiệp đề nghị, Nhà nước không nên dùng biện pháp hành chính để ép doanh nghiệp bán bằng mọi giá mà phải có giải pháp tăng cường tuyên truyền quảng bá và giảm giá xăng RON92 E5, tạo chênh lệch với xăng RON95 từ 1.500-2.000 đồng để khuyến khích sử dụng.
Mặt khác, xăng RON92 E5 là mặt hàng mới, việc đầu tư chuyển đổi rất tốn kém, do đó phía Nhà nước cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quan trình chuyển đổi.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, sẽ ghi nhận toàn bộ ý kiến của các doanh nghiệp, đồng thời sớm có văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức giá chênh lệch hợp lý giữa hai loại xăng nhằm khuyến khích tiêu dùng, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra.
Bộ Công thương cũng sẽ xem xét các chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá xăng RON92 E5 rộng rãi đến người tiêu dùng; đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện nghiêm chủ trương, quyết định của Chính phủ về việc triển khai bán đại trà xăng RON92 E5 theo đúng lộ trình.