Theo UBND TPHCM, năm 2013, lực lượng TTXD quận huyện, phường xã, thị trấn đã sáp nhập về Thanh tra Sở Xây dựng TP. Nhìn chung, sau khi sáp nhập, công tác quản lý TTXD trên địa bàn TP có những chuyển biến tích cực và từng bước đi vào nề nếp; số vụ vi phạm không phép, sai phép trên địa bàn được kéo giảm; hiệu lực quản lý nhà nước được tăng cường; ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao.
Tuy nhiên, biên chế lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng lớn (năm 2019 là 987 biên chế), được bố trí phân tán tại khối cơ quan Sở Xây dựng và 24 Đội Thanh tra địa bàn quận huyện khác nhau, dẫn đến công tác nắm bắt tư tưởng, tâm tư tình cảm và công tác quản lý, giáo dục công chức, thanh tra viên, nhân viên chưa kịp thời, còn hạn chế; các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nội quy cơ quan trong lực lượng thanh tra xây dựng phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật vẫn còn nhiều; công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội tại các đội thanh tra địa bàn còn gặp nhiều bất cập, khó khăn.
Cùng với đó, tình hình vi phạm TTXD tại một số địa phương còn phức tạp do công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận huyện, phường xã, thị trấn còn hạn chế. Trong một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa đội thanh tra địa bàn quận huyện với UBND quận huyện, phường xã, thị trấn chưa thống nhất, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Từ các quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, chính quyền địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm chính trong công tác quản lý TTXD đô thị nên cần thiết có một lực lượng chuyên môn, chuyên trách để giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác này.
Do đó, việc thành lập thí điểm đội quản lý TTXD đô thị thuộc UBND quận huyện quản lý là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hoạt động công vụ hiện nay. Vì vậy, UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt Đề án thí điểm thành lập đội quản lý TTXD đô thị thuộc UBND cấp huyện quản lý.