Kiến nghị được nâng tầng, xây tầng hầm để tận dụng quỹ đất cho trường học

Chiều 18-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành. Những kiến nghị của các địa phương tập trung vào việc khắc phục thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, bảo đảm chế độ tiền lương cho đội ngũ nhà giáo…
Quang cảnh hội nghị ngành giáo dục tại điểm cầu Trung ương
Quang cảnh hội nghị ngành giáo dục tại điểm cầu Trung ương

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TPHCM đã xây dựng dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được các cấp, các cơ sở coi trọng và thực hiện nghiêm túc, công tác chuẩn bị đội ngũ giảng dạy chu đáo. TPHCM tiếp tục giữ vững thế mạnh trong tiếng Anh, tin học và thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời tổ chức tuyển sinh theo hình thức trực tuyến sử dụng mã định danh, hoàn thiện dữ liệu ngành…

Năm học 2023-2024, ngành GD-ĐT TPHCM đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển và hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện trọng tâm xây dựng TPHCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, GD-ĐT, KHCN. Tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục tăng cường ứng dụng hiệu quả KHCN hiện đại vào mọi hoạt động giáo dục, đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD-ĐT.

Triển khai các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành giáo dục thành phố đã đăng ký 3 công trình. Trong đó trọng tâm là công trình đầu tư, chuẩn hóa và hiện đại cơ sở vật chất, góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trên địa bàn và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

Các đại biểu dự hội nghị ngành giáo dục

Các đại biểu dự hội nghị ngành giáo dục

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Năm học 2022-2023, toàn TP Hà Nội có khoảng 2.870 trường mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên với gần 2,2 triệu học sinh.

Ngành giáo dục Thủ đô đề xuất một số vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới, trong đó kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai số hóa sách giáo khoa và sử dụng SGK điện tử để phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục. Quan tâm chế độ chính sách với cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong lĩnh vực GD-ĐT. Lương của nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp ưu đãi theo từng tính chất công việc.

Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị, hiện nay, Thủ đô đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học, tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất. Để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, Hà Nội đề nghị các cấp xem xét cho phép TP Hà Nội sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng; đồng thời, cho phép Hà Nội xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.

Liên quan chính sách cho đội ngũ, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, năm học 2022-2023, Kon Tum còn thiếu 836 giáo viên, đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn. Do đó, tỉnh kiến nghị rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó có chính sách thu hút, chính sách về tiền lương, phụ cấp nghề; hoàn thiện đồng bộ chính sách tuyển dụng đối với sinh viên đào tạo cử tuyển, đào tạo người người dân tộc thiểu số về công tác tại địa bàn khó khăn.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cũng đề nghị sửa đổi chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương; điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, tiểu học; quan tâm đến chế độ lương và phụ cấp để giúp giáo viên yên tâm, gắn bó với nghề.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng chỉ ra tình trạng khó khăn hiện nay của giáo dục Cà Mau như cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lớp học bán trú còn thấp; học 2 buổi/ngày còn ít; trường lớp còn nhỏ lẻ, tạm bợ; đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều nhưng không có nguồn tuyển; nhất là giáo viên các môn học chương trình mới.

Ông Nguyễn Minh Luân kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư chương trình sóng và máy tính cho em vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; tháo gỡ khó khăn trong việc đặt hàng đào tạo ngành sư phạm; có các chương trình kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là nhà công vụ cho giáo viên để giáo viên yên tâm, gắn bó dạy học và công tác...

Tin cùng chuyên mục